Hồng Ngự xóa nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống
Vào những ngày này đến các làng quê đầu nguồn sông Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, đâu đâu cũng thấy những tấm biển quảng cáo về chương trình làm đường giao thông và xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp lý, nhà dân nào cũng có hệ thống dẫn nước sạch từ nhà máy về để sử dụng.
Anh Thạch Hoàng, dân tộc Khmer ở ấp An Lợi, một trong những hộ được NHCSXH cho vay vốn để bắc đường ống và xây bồn chứa nước sạch, vui mừng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ ở ấp An Lợi hầu hết phải dùng nước kênh rạch dơ bẩn, chất lượng không đảm bảo. Năm 2010, gia đình tôi được NHCSXH huyện cho vay 8 triệu đồng vốn ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã lắp hơn 30m đường ống nhựa dẫn nước sạch. Từ ngày có nước sạch, gia đình tôi yên tâm hơn, ai cũng khoẻ mạnh, không bị bệnh đau mắt và đau bụng như trước đây nữa”.
Ở cùng ấp với anh Hoàng, bà Thạch Thị Vân cũng được vay vốn ưu đãi để lắp đường ống dẫn nước sạch và mua bồn inox chứa nước sạch. Bà Vân cho biết “Gia đình tôi không chỉ dùng nước sạch để ăn uống tắm rửa mà còn dùng cho cả việc nuôi heo, nuôi gà công nghiệp. Từ khi có nước sạch chảy đến tận nhà, người thì khỏe, đàn gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh”.
Đúng là nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ không chỉ giúp đồng bào Khmer có nước sạch sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe, mà đã giúp nhiều hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có vốn để chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như trường hợp chị Huỳnh Thị Lý ở ấp Cái Bường chồng chị đi sạ lúa vướng phải mìn phải nằm viện điều trị, lúc đó con gái lớn của chị vừa trúng tuyển đại học, cháu thứ 2 đang học cấp 3. Bao nhiêu vất vả, chi tiêu đổ lên đôi vai gầy của chị. “May mắn sao, đúng dịp đó, tôi được Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ bình xét và được NHCSXH giúp đỡ cho vay vốn kịp thời 22 triệu đồng thuộc chương trình cho vay hộ nghèo và 30 triệu đồng của chương trình HSSV. Nhận tiền vay, tôi chủ động đầu tư vào chăn nuôi heo nái, làm lúa thơm, và chăm lo cho con ăn học trên thành phố”. Chị Lý cho biết. Với 4 công đất chị sạ lúa thơm 2 vụ, còn một vụ trồng hành tía, ước tính mỗi vụ hành trừ chi phí, chị thu về hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn nuôi heo nái và bò vỗ béo. Giờ đây, con chị đã tốt nghiệp đại học có việc làm, thu nhập ổn định. Chị đã và đang trả nợ dần cho ngân hàng theo kỳ hạn đã thỏa thuận. “Hiện gia đình tôi đã trả được 20 triệu đồng vốn vay HSSV và 10 triệu đồng vay của chương trình hộ nghèo. Cố gắng cuối năm nay thu đàn heo con, tôi sẽ hoàn trả sớm trước hạn cho NHCSXH” - chị Lý chia sẻ.
Hoàn cảnh kinh tế nghèo khó không kém gia đình chị Lý là gia đình ông Thạch Thanh Bể ở ấp Ba Cải, xã Định Yên. Không may vợ ông mắc bệnh tim nên tiền bạc cũng theo đó mà kiệt quệ. Ông Bể kể lại: “Nếu không có 25 triệu đồng vay hộ nghèo của NHCSXH, gia đình tôi chắc chắn quanh năm vẫn quanh quẩn cảnh làm thuê vác mướn, chạy ăn từng bữa cho qua ngày”. Có tiền vay được với lãi suất ưu đãi, ông đã sử dụng vào chăn nuôi heo giống và nuôi cá hầm. Giờ đây trong chuồng của gia đình ông lúc nào cũng có 20 - 25 con heo, 5 - 7 tấn cá thịt, mỗi năm thu ngót 70 triệu đồng. Vừa qua, ông đã tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo cho địa phương và quyết tâm sớm trả hết nợ vay cho NHCSXH.
Bài và ảnh Thanh An
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cả nhà được chăm lo
- » Niềm tin và động lực để thoát nghèo bền vững
- » Hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Văn Quan (Lạng Sơn)
- » Nhiều thanh niên lập nghiệp từ kinh tế trang trại
- » Tạo đà cho phát triển bền vững
- » Nông dân Quảng Phú hết nghèo rồi
- » Tín dụng chính sách thực sự góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
- » Vùng đất Tân Mỹ được đánh thức
- » Vốn ưu đãi giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn NHCSXH