Giúp hội viên thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
Hiện nay, các cấp hội đang quản lý 1.187 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 41.938 hộ vay, tổng dư nợ 472,4 tỷ đồng, trong đó các chương trình cho vay chiếm tỷ lệ cao như: Cho vay hộ nghèo, HSSV, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn…
Ngoài nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các cấp Hội Phụ nữ còn duy trì tốt hoạt động của hàng ngàn tổ phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau làm kinh tế gia đình, nên đã hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa phương, đồng thời cũng nâng cao được hiệu quả sản xuất.
Chị Sơn Thị Sama ở ấp Phù Ly II, xã Đông Bình, huyện Bình Minh thuộc diện hộ nghèo, không đất canh tác. Vợ chồng chị phải sống bằng nghề làm thuê làm mướn để lo cho các con ăn học. Nhờ Hội Phụ nữ xã giới thiệu nguồn vốn vay từ NHCSXH, chị vay 10 triệu đồng để nuôi 2 con bò.
Ngoài chuyện bếp núc, chị tranh thủ cắt cỏ cho bò ăn và đan thảm lục bình kiếm thêm. Chồng chị ngày làm thuê, tích cóp vốn đào 2 ao nuôi cá. Nhờ vậy, năm 2010 gia đình chị thoát nghèo, với mức thu nhập hàng năm vài chục triệu đồng từ tiền bán bò và cá.
Còn chị Đỗ Thị Hồng xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ chia sẻ niềm vui: “Trước kia nhà tôi khổ lắm, con thì bệnh… Cũng nhờ Hội Phụ nữ cho tôi góp vốn xoay vòng được 3 triệu đồng, tôi vay thêm 6 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi bò, nuôi heo. Nhờ đó mà gia đình tôi ổn định và đã xây dựng được ngôi nhà mới…”.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Thị Minh Hạnh cho biết, để sử dụng đồng vốn vay hiệu quả cùng sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng, các cấp hội đề ra kế hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế địa phương. Đồng thời, kiểm tra động viên, tư vấn chị em sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; trường hợp rủi ro thì tiến hành ngay các thủ tục theo quy định để được hỗ trợ kịp thời.
Ngoài các hoạt động thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, Hội Phụ nữ còn vận động chị em tự giác biết tiết kiệm để tạo nguồn tích lũy với phương châm “Mỗi ngày người nghèo biết tích lũy là mỗi một ngày nhanh chóng thoát nghèo”.
Từ năm 2004 đến nay, chị em thực hiện tiết kiệm thường kỳ, tùy theo khả năng mỗi người có thể gởi tiết kiệm từ 20.000 - 50.000 đồng để dành trả nợ ngân hàng, với tổng số tiền gửi tiết kiệm trên 17 tỷ đồng.
Nhờ vậy, chị em không bị áp lực đối với các khoản vay khi đến hạn. Với các cách làm trên, kết quả đã có 14.489 hộ thoát nghèo, triển vọng thoát nghèo 945 hộ, 842 hộ giảm bớt khó khăn, 244 hộ vươn lên khá và 8.927 hộ làm ăn có hiệu quả.
Thúy Hải
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Anh Lò Văn Hùng tấm gương xóa nghèo ở Phiêng Pằn
- » Phát triển kinh tế nhờ vốn chính sách
- » Cứu cánh của người nghèo
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đình Phùng hoạt động hiệu quả
- » Quản Bạ khai thác tiềm năng
- » Chị Huỳnh Thu Nguyệt đã thoát nghèo
- » Quan tâm giảm nghèo
- » Hồng Ngự xóa nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống
- » Cả nhà được chăm lo
- » Niềm tin và động lực để thoát nghèo bền vững