Thanh niên tại tỉnh Thanh Hóa vay vốn ưu đãi để xóa nghèo
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đoàn viên thanh niên đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động tại địa phương.
Về xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, đến thăm mô hình phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp của hộ thanh niên Nguyễn Quốc Bình, được anh chia sẻ: Với nguồn vốn tiết kiệm ít ỏi ban đầu, gia đình Bình không đủ “lực” để đầu tư phát triển kinh tế. Vì vậy, Bình đã mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây cao su… hiện nay, trang trại của gia đình Bình đã có 60 con dê, 5ha cây cao su, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Phạm Văn Tình, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, từ một thanh niên quanh năm chỉ đi làm thuê, nay anh đã sở hữu cả một cơ ngơi khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng. Về những ngày đầu vay vốn lập nghiệp, Phạm Văn Tình cho biết: Cùng với số tiền tiết kiệm trong những năm đi làm thuê, Bình được hỗ trợ vay thêm 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện và được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Có vốn, có kiến thức, Tình đã đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Đến nay, gia đình Tình đã có ao cá với diện tích 1.000m2, 5ha mía; 5 con bò sinh sản, thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.
Phát huy vai trò là cầu nối giúp đoàn viên thanh niên vay vốn, tạo việc làm, phát triển kinh tế, trong những năm qua, Đoàn Thanh niên huyện Ngọc Lặc đã phối hợp với NHCSXH huyện cho 1.740 đoàn viên thanh niên vay vốn, thành lập được 60 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đạt 29,153 tỷ đồng. Hầu hết các đoàn viên thanh niên sau khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh phù hợp, giải quyết việc làm… giúp nhiều thanh niên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương - đồng chí Lê Bá Ngà, Bí thư huyện Đoàn Thanh niên Ngọc Lặc, nhấn mạnh.
Những năm trước, thanh niên huyện Lang Chánh còn e ngại trong việc vay vốn ưu đãi thì nay họ đã mạnh dạn hơn để vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thông qua chương trình vốn vay ưu đãi, đoàn viên thanh niên trong huyện Lang Chánh đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, đầu tư phát triển kinh tế rừng, trang trại, chăn nuôi… Từ năm 2008 đến nay, tổng dư nợ mà Đoàn Thanh niên được quản lý khoảng 23 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần hình thành và tiếp sức cho nhiều mô hình sản xuất như: trồng rừng, chăm sóc rừng luồng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm… do đoàn viên thanh niên làm chủ hộ phát triển có hiệu quả. Hầu hết thanh niên được hưởng lợi từ nguồn vốn này đều có ý thức cao trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng định kỳ.
Tại các huyện Nga Sơn, Quan Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương… sau 5 năm triển khai, đến nay hầu hết các Huyện đoàn đã thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ thanh niên vay vốn. Tại Huyện đoàn Hậu Lộc, nguồn vốn vay NHCSXH đạt tổng dư nợ trên 7 tỷ đồng. Nhiều đoàn viên thanh niên đã có thu nhập khá và vươn lên làm giàu. Điển hình như Hoàng Văn Nghĩa, xã Minh Lộc, “nhà nông trẻ” nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012, chủ trang trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp, chủ mô hình nuôi cá lúa. Hoàng Văn Nghĩa tâm sự: Trải qua nhiều thăng trầm, thất bại đã giúp Nghĩa có thêm kinh nghiệm, kiến thức và ý chí quyết tâm để thực hiện ước mơ làm giàu. Cuối năm 2008, sau khi được hỗ trợ vay vốn, Nghĩa đã tiến hành xây dựng trang trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp quy mô 500 con, với tổng diện tích trang trại là 3.275m2.
Tổng thu nhập bình quân khoảng 220 triệu đồng/năm. Ước tính tổng giá trị tài sản của ông chủ trẻ Hoàng Văn Nghĩa cũng đạt gần tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Đoàn Thanh niên tỉnh Thanh Hóa, thông qua chương trình “Đồng hành hỗ trợ thanh niên vay vốn”, hàng chục nghìn đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có việc làm, ổn định cuộc sống, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp và số lượng thanh niên đi làm ăn xa.
Lê Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nâng cao chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang
- » Phát huy vai trò chuyển tải vốn tín dụng chính sách
- » Tạo sức bật cho hộ nghèo thoát nghèo
- » Dê núi Cúc Phương
- » Hội nghị Triển khai công tác Văn phòng ngành Ngân hàng
- » Điển hình nông dân Khmer sử dụng vốn ưu đãi vượt khó thoát nghèo
- » Phú Lộc đổi mới thâm canh
- » Hàng chục nghìn hộ dân tại tỉnh Đồng Tháp thoát nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kết quả thực hiện chương trình 167 tại Đakrông
- » Phụ nữ Bản Lầu giúp nhau xóa nghèo