Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9 là chỗ dựa, nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nghèo

24/06/2013
(VBSP News) Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH vừa qua, tỉnh Lâm Đồng vinh dự đăng đàn 2 bản báo cáo. Cùng với những bài học và giải pháp chính thực hiện công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn rộng lớn phía Nam khu vực Tây Nguyên do ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày và tham luận của Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9, thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên nêu bật tác dụng của đồng vốn ưu đãi đã và đang làm điểm tựa vững chắc cho công cuộc xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc - miền núi.
Ông Trần Xuân Ước đang kiểm tra vốn vay của hộ ông Đặng Văn Thế khu 9, Đồng Nai, Cát Tiên (Lâm Đồng)

Ông Trần Xuân Ước đang kiểm tra vốn vay của hộ ông Đặng Văn Thế khu 9, Đồng Nai, Cát Tiên (Lâm Đồng)

Ông Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Trần Xuân Ước cho biết: Khu 9 là vùng đất khô cằn “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã úng”, người dân tuy sinh sống dọc quốc lộ và ven thị trấn nhưng lại chủ yếu làm nghề nông nên vào thời điểm cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30% và hầu hết thiếu vốn sản xuất trầm trọng. Tuy nhiên, cũng như các vùng miền khác, nguyên nhân làm cho làng quê xa xôi này nghèo khó đã được phân tích và lối thoát khỏi cảnh đó đã tìm ra. Với sự giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với các chương trình tín dụng ưu đãi của chính phủ làm thay đổi diện mạo làng xóm khu 9. Hiện tại, nhiều hộ dân nghèo nhờ có vốn ưu đãi tiếp sức nên hiệu quả chăn nuôi bò sữa, lợn siêu lạc, trồng điều, cà phê giống mới đạt năng suất cao. Một số hộ nông dân nghèo còn cho con về thành phố học hành đến nơi, đến chốn.

Cũng theo ông Ước, để làm nên sự đổi thay đó là nhờ sự giúp đỡ của các cấp ngành, trực tiếp là NHCSXH huyện và Hội Nông dân thị trấn, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã sớm được thành lập, củng cố về tổ chức, đảm bảo chất lượng hoạt động. Hiện tổ đã thu hút 41 tổ viên tham gia sinh hoạt và quản lý dư nợ 841 triệu đồng của 5 chương trình tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, các tổ viên đều tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, với mức gửi thấp nhất 50 nghìn đồng/tháng/hộ. Đến nay, tổ đã gửi tiết kiệm vào NHCSXH được 43 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9 đã thực sự trở thành nơi chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hộ nông dân nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, giúp mọi người cách thức vay vốn thuận lợi, kịp thời và sử dụng vốn vay vào thâm canh cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cũng như chăm lo việc học tập của con em.

Thời gian qua, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn có sự phận công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức cho tổ viên sinh hoạt đều đặn, định kỳ, thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ mọi nội dung và cam kết trong hợp đồng ủy thác vay vốn của NHCSXH. Hình thức sinh hoạt của Tổ cũng được đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế, không chỉ là trao đổi đơn thuần những thông tin liên quan đến việc vay, sử dụng vốn ưu đãi mà còn lồng ghép với các chương trình, phổ biến kỹ thuật bón phân, tưới nước cho vườn cà phê catimor giống mới và thao tác máy vắt sữa bò hợp vệ sinh… Bởi vậy, các buổi sinh hoạt ở tổ diễn ra vui vẻ, thoải mái, thu hút mọi người, mọi nhà hào hứng tham gia.

Cùng với đó, tổ còn quan tâm, việc bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng cho các hộ vay vốn ưu đãi. Hiện tượng nể nang, xuề xòa hay cảm tình cá nhân để bình xét vay, vốn sai đối tượng, dẫn đến sự thiếu công bằng, mất đoàn kết ở khu 9 không bao giờ xẩy ra. Tổ đặc biệt chú trọng hướng dẫn mọi thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả; đồng thời, hoàn trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn. Hàng tháng, hàng quý, tổ đã mời các cán bộ khuyến nông, tín dụng ngân hàng đến dự sinh hoạt với tổ và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa hoc, kỹ thuật và sử dụng vốn vào sản xuất. Việc tuyên truyền ở đây còn có thêm những tranh ảnh, truyện kể minh hoạ để mọi người dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Nhờ có chất lượng hoạt động của tổ được đảm bảo cùng những hình thức hoạt động phong phú, sinh động, nên góp phần giúp cho 10 hộ thoát nghèo bền vững, 28 lao động có việc làm ổn định, đạt mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Điển hình là hộ gia đình ông Trần Văn Bô, hộ bà Hoàng Thị Nga, sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH, nuôi bò sữa, trồng lúa thơm, hàng năm thu đến cả trăm triệu đồng; gia đình ông Vũ Trọng Tấn vay vốn ưu đãi cải tạo vườn tạp, trồng cà phê giống mới, trở thành gương sản xuất, kinh doanh giỏi của cả tỉnh Lâm Đồng.

Chính thành tích thực hiện giảm nghèo bền vững đó nên Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9 thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên do ông Trần Xuân Ước làm Tổ trưởng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng biểu dương khen ngợi và lựa chọn làm đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH.

Bài và ảnh Thanh Tuấn - Đặng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác