Thanh niên vùng sâu Đắk Lắk vươn lên làm giàu

21/06/2013
(VBSP News) Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk có hàng nghìn thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn vùng sâu vùng xa đã năng động, sáng tạo trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần xứng đáng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Anh Y Miên Niê đang chăm sóc đàn heo của mình

Anh Y Miên Niê đang chăm sóc đàn heo của mình

Y Miên Niê người con ưu tú của buôn làng

Trước năm 2004, Y Miên Niê, ở buôn Ea Yông B, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cũng như nhiều thanh niên dân tộc Êđê khác trong xã, làm ăn khá chật vật, xoay xở mãi với mấy sào đất trồng lúa, trồng cà phê nhưng vẫn không đủ ăn. Học hết lớp 12, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Y Miên Niê đành gác lại con đường học tập để ở nhà làm nương rẫy phụ giúp gia đình mưu sinh.

Đã có được cái chữ, Y Miên Niê tìm sách báo, nghe đài tìm hiểu những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm; đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi do Huyện đoàn, khuyến nông của huyện, của tỉnh tổ chức tại quê nhà.

Từ những kiến thức học hỏi được, Y Miên Niê mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH mua 3 con bò cái sinh sản để nuôi. Y Miên Niê tâm sự: “Mình ít vốn thì chỉ nuôi bò, nuôi heo thôi. Thức ăn cho bò, cho lợn mình tận dụng được trên nương, trên rẫy lại có thêm nguồn phân bón để bón cho cây trồng, nhất là bón cho cà phê”. Nhờ vậy, chỉ riêng khoản phân bón, mỗi năm Y Miên Niê cũng tiết kiệm được cả chục triệu đồng.

Hiện nay, Y Miên Niê đã thực hiện khá thành thục trong việc chọn giống, chăm sóc, bón phân, tưới nước tiết kiệm đúng thời điểm cho cây cà phê, nhất là cắt cành, tạo tán, làm bồn… nên năng suất cà phê luôn đạt bình quân 3 tấn cà phê nhân/ha. Y Miên Niê còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nào là khu chăn nuôi bò, khu chăn nuôi lợn nái, khu nuôi 20 con lợn thịt và hàng chục con gà, vịt. Chỉ riêng lợn thịt, mỗi năm Y Miên Niê xuất chuồng 3 đợt, thu về trên 50 triệu đồng. Theo Y Miên Niê, với mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm anh thu về trên 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 130 triệu đồng.

Người con gái Êđê sản xuất rau an toàn

Đó là H’Thúy, ở Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, lại đông anh em nên H’Thúy không được học hành đến nơi đến chốn như các bạn cùng trang lứa. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng rẫy và 3 sào đất trồng rau màu theo thời vụ. Mặc dù gia đình cũng như H’Thúy ngày ngày oằn mình trên nương, trên rẫy nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Năm 2008, trong một lần tham gia lớp tập huấn về mô hình phát triển kinh tế nông thôn do Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk tổ chức, H’Thúy liền “bén duyên” ngay với công nghệ sản xuất rau sạch.

Rau sạch của chị H’Thúy đã có “chỗ đứng” trong siêu thị

Rau sạch của chị H’Thúy đã có “chỗ đứng” trong siêu thị

Quỹ đất có sẵn, cộng thêm số vốn 18 triệu đồng được vay từ NHCSXH, H’Thúy bắt tay ngay vào việc làm nhà lưới, với diện tích trên 620m2 để trồng rau. Vườn rau sạch của H’Thúy được sản xuất quanh năm, chủ yếu là các loại cây ngắn ngày như cải ngọt, cải ngồng, xà lách, cải cúc, ngò, hành… tất cả đều không sử dụng thuốc kích thích hay bất cứ loại hóa chất độc hại nào làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cứ khoảng 20 ngày, H’Thúy thu hoạch một lứa, với sản lượng từ 4 - 5 tạ rau.

Càng làm, H’Thúy càng tự tin, có thêm niềm vui vì không những tăng thêm nguồn thu nhập mà còn đưa rau sạch đến với người tiêu dùng sử dụng yên tâm “cái bụng”. H’Thúy chia sẻ: “Tuy làm rau sạch tốn nhiều công sức, vốn đầu tư nhiều hơn, nhưng bán lại ngang bằng với giá các loại rau khác nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rau an toàn. Nhưng không vì thế mà mình nản lòng. Mình luôn mong muốn đem vốn hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân để truyền đạt lại cho bà con nông dân trong buôn, trong làng để cùng nhau sản xuất rau sạch giúp cho cộng đồng có thêm nguồn rau xanh sạch, yên tâm sử dụng, góp phần bớt đi bệnh tật cho cộng đồng”.

Hiện nay, H’Thúy không chỉ dừng lại ở việc sản xuất rau ăn lá mà còn tiếp tục phát triển các loại củ, quả khác như cà chua… đáp ứng tốt yêu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều của thị trường. Cũng từ ngày tham gia sản xuất rau an toàn, đời sống của gia đình H’Thúy đã thoát nghèo bền vững và có “của ăn, của để”, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2012, từ vườn rau an toàn của mình, H’Thúy đã thu lãi ròng gần 80 triệu đồng.

Già làng Y Phan Byă, ở buôn Ea Yông B hồ hởi nói: “Lớp trẻ ở các buôn làng Tây Nguyên bây giờ giỏi lắm, không chỉ có H’Thúy, Y Miên Niê mà còn nhiều chàng trai, cô gái không cam chịu đói nghèo, ngày đêm hăng say lao động sản xuất từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần làm cho buôn làng thêm giàu đẹp. Già ưng cái bụng lắm”.

Theo Báo Tin Tức

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác