Hướng Hóa đi lên từ cây sắn

21/06/2013
(VBSP News) Hướng Hóa là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Trị. Hiện có hơn 80 nghìn dân, gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô sinh sống ở 22 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Với gần 50% dân số là dân tộc thiểu số, nhưng đáng mừng, trong những năm gần đây cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào các dân tộc ở Hướng Hóa đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện đa dạng hóa cây trồng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Sắn là cây xóa nghèo và làm giàu của nông dân vùng Lìa

Sắn là cây xóa nghèo và làm giàu của nông dân vùng Lìa

Hướng Hóa có diện tích tự nhiên 115 nghìn ha, đất đai đa dạng, có 7 vùng tiểu khí hậu khác nhau, tương ứng với mỗi vùng là sự đa dạng sinh học và phù hợp cho mỗi loại cây trồng đặc thù. Trước hết, để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, người dân Hướng Hóa đã tích cực khai hoang đất bằng làm lúa nước, nâng diện tích lên hơn một nghìn ha, đưa các loại giống lúa mới vào trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất ngày càng cao, nhiều xã như  Hướng Tân, Hướng Sơn, Hướng Việt đạt năng suất trên dưới 40 tạ/ha. “Thực túc, binh cường” - có đủ lương thực người Hướng Hóa đi vào khai thác có hiệu quả đất đai, nguồn nhân lực và các thế mạnh khác của địa phương. Trước đây, thị trấn Khe Sanh được coi là “vương quốc” của cây cà phê mít, vào những năm 90 của thế kỷ XX, Công ty hồ tiêu Tân Lâm và Công ty dịch vụ cà phê đường 9 đã đưa cây cà phê Catimor về thay thế, rất có hiệu quả trên vùng đất Tà Cơn, Khe Sanh, vươn ra tận Hướng Tân,  Hướng Phùng và vào sâu tận Pa Tầng vùng Lìa. Hiện nay, toàn huyện có trên 4 nghìn ha cà phê, sản lượng đạt 5 nghìn - 7 nghìn tấn/năm, tính với giá thấp khoảng 12 nghìn đồng/kg quả tươi, mang về nguồn lợi không nhỏ. Cà phê được xem là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện Hướng Hóa.

Nếu Khe Sanh và bắc Hướng Hóa nổi tiếng với cây cà phê Catimor, thì vùng nam huyện và Lao Bảo lại phong phú với nhiều loại cây trồng, như: sắn, chuối, xoài và mới đây là sự có mặt của cây cao su rất nhiều triển vọng ở A Dơi. Riêng về cây sắn, vùng Lìa gồm 7 xã, xưa nay vẫn được xem là vùng “rốn sắn”. Trước đây, sắn là cây lương thực chống đói của đồng bào vùng cao, ngày nay với sự ra đời của nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cây sắn lên ngôi, trở thành cây công nghiệp có giá trị. Với diện tích trên 4 nghìn ha, mỗi năm vùng Lìa bán cho nhà máy hàng trăm tấn nguyên liệu và mang về giá trị hàng hóa trên 120 tỷ đồng. Nhiều gia đình dân tộc Pa Cô, Vân Kiều được NHCSXH cho vay theo chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với mức 25 - 30 triệu đồng/hộ, sau mấy năm đã giàu lên từ cây sắn. Để tập hợp, tôn vinh những hộ gia đình sản xuất giỏi, duy trì vùng nguyên liệu ổn định, nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã thành lập “Câu lạc bộ trồng sắn hơn 100 triệu đồng”. Từ chỗ toàn vùng chỉ có 12 hộ, đến nay đã có hơn 100 hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng.  Tháng 5 vừa qua, Câu lạc bộ kết nạp thêm 16 thành viên. Tiếp tục tiếp sức cho nông dân, xóa nghèo và làm giàu chính đáng, tính đến nay Hội Nông dân Hướng Hóa nhận ủy thác 57 tỷ đồng từ NHCSXH, thông qua 1.297 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 4.324 hội viên vay sản xuất, kinh doanh.                                                  

Tân Long là một xã kinh tế mới của huyện Hướng Hóa, có hơn 800 hộ (4 nghìn người). Trước đây, bà con chủ yếu trồng các loại lúa, ngô sắn trên nương rẫy, cuộc sống lay lắt qua ngày. Sau năm 2000, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên những cây trồng truyền thống như lúa, ngô, người dân Tân Long mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây như mía, chuối, sả. Trong đó, cây chuối được trồng với số lượng lớn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Võ Tiên Sinh, năm 2005 toàn xã chỉ có 400ha, đến nay diện tích trồng chuối lên đến 1.300ha và lan ra nhiều xã vùng cao khác, như: Tân Thanh, Tân Long, xã Thuận, xã Thanh, thị trấn Lao Bảo. Với giá bán giao động từ 4 nghìn - 6 nghìn đồng/kg, bình quân 1 ha thu 50 - 60 triệu đồng/năm.

Trong phát triển kinh tế, A Dơi là xã biết lấy “ngắn nuôi dài”. Toàn xã có hơn 540 ha sắn, doanh thu gần 20 tỷ đồng/năm. Hơn 345 ha cao su tiểu điền đang phát triển tốt, hứa hẹn vài năm nữa sẽ mang lại nguồn thu lớn… Ngoài ra, người dân còn trồng lạc, ngô, rau đậu các loại, chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá. Nhờ vậy, gần 500 gia đình trong xã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã vươn lên giàu có. Điều phấn khởi nhất - trước đây người dân chưa bao giờ dám mơ ước là 100% gia đình sử dụng điện lưới quốc gia, 90% gia đình sử dụng nước tự chảy, trường học, trạm xá khang trang, tỷ lệ con em đi học 95%… A Dơi mẫu hình cho các xã biên giới.

Bài và ảnh Thiện Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác