Đồng vốn “gõ cửa” người nghèo

24/06/2013
(VBSP News) Ðược NHCSXH cho vay vốn rồi được tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã từng bước thoát được cái đói, cái nghèo và ngày càng có cuộc sống ổn định hơn.
Nhờ được vay vốn để chăn nuôi bò nên gia đình ông Phan Xuân Hưởng đã thoát được nghèo

Nhờ được vay vốn để chăn nuôi bò nên gia đình ông Phan Xuân Hưởng đã thoát được nghèo

Người nghèo được hỗ trợ kịp thời

Bước sang năm 2013, với gia đình ông Phan Xuân Hưởng, ở thôn 13, xã Ðắk Lao, huyện Ðắk Mil (Ðắk Nông) dường như có ý nghĩa hơn. Bởi sau nhiều năm cái đói, cái nghèo “đeo bám” thì đến cuối năm 2012, gia đình ông đã được chính quyền xã xác nhận thoát nghèo.

Trong ngôi nhà cấp 4 vững chãi, ông Hưởng chia sẻ: “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay, phần lớn cũng là nhờ vào nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện, thực sự là động lực để phấn đấu có cuộc sống ổn định hơn”.

Theo đó, vào lúc khó khăn nhất, gia đình ông được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế. Có vốn, lại được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng ngân hàng, gia đình ông đã quyết định mua 2 cặp bò về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò ngày càng tăng về số lượng, hàng năm, sau khi xuất bán một lứa bò, gia đình lại dùng khoản tiền thu được để mở rộng và đầu tư vào vườn cà phê. Ðến nay, mỗi năm, từ đàn bò hơn 6 con và 1ha cà phê cũng mang lại cho gia đình khoản thu nhập gần 100 triệu đồng.

Tương tự, gia đình chị Ðinh Thị Mến, ở thôn Nam Xuân, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô cũng đã thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn vay của NHCSXH huyện. Sau 2 lần vay được 40 triệu đồng, chị đã đầu tư vào việc chăn nuôi lợn với quy mô khá bài bản. Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân trong xã, hiện nay, chị Mến luôn duy trì đàn lợn trên 40 con, mỗi năm, sau khi trừ chi phí cũng mang về cho gia đình trên 80 triệu đồng.

Chị Mến tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi luôn phải sống chật vật bằng nguồn thu nhập bấp bênh từ buôn bán và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng từ khi được vay vốn NHCSXH, tôi đã đầu tư mở rộng chăn nuôi, sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá trong xã”.

Nỗ lực của “bà đỡ”

Có thể nói, để hàng nghìn hộ dân nghèo vượt qua những khó khăn, nâng cao đời sống thì hệ thống NHCSXH đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho họ. Ông Trần Quang Ðiệp - Giám đốc NHCSXH huyện Chư Jút cho biết: “Với cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã được ngân hàng giải ngân kịp thời đến tận tay các hộ nghèo và gia đình chính sách khác. Mặc dù mức vay tối đa mỗi chương trình chưa lớn, nhưng nguồn vốn đã kịp thời hỗ trợ để các gia đình nghèo khắc phục khó khăn trước mắt và từng bước xây dựng cuộc sống ổn định hơn. Với phương châm: cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, đến nay, tổng dư nợ của đơn vị là trên 165 tỷ đồng, với gần 10.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn”.

Có thể thấy, hình thức sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH của các hộ gia đình nghèo có phần khác nhau, nhưng trên hết là đều hướng đến một mục tiêu chung là thoát được sự nghèo khó. Ðiều quan trọng hơn đó là nguồn vốn ưu đãi không chỉ giúp thoát nghèo mà còn góp phần rất lớn trong việc giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong làm ăn, để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Ðây chính là cơ sở, động lực quan trọng để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xóa nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Theo Báo Đắk Nông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác