Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo

21/06/2013
(Báo Bắc Ninh) Đồng vốn của NHCSXH đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong nhiều năm qua dù được sử dụng vào việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở mang ngành nghề phụ hay tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo học tập, lao động xuất khẩu cũng như xây cửa, dựng nhà thì đều hướng đến mục đích chung đó là xua đi cái khó, cái nghèo, tạo dựng cuộc sống đủ đầy hạnh phúc.
NHCSXH huyện Lương Tài giải ngân vốn ưu đãi tại xã Phú Hòa

NHCSXH huyện Lương Tài giải ngân vốn ưu đãi tại xã Phú Hòa

“Ở đâu nghèo khó ở đó có NHCSXH”

Câu nói này đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc đối với nhiều vùng quê nghèo khó suốt 10 năm qua. Được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã vượt lên sự tự ti, mặc cảm để thoát nghèo, nâng cao đời sống. Nhiều người trong số họ đã vươn lên làm giàu trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống không cam chịu đói nghèo. Gia đình bà Trần Thị Gái, thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là một điển hình như vậy. Cách đây không lâu gia đình bà là hộ nghèo nhất, nhì làng khi mình bà bươn trải làm lụng nuôi chồng và mẹ già ốm đau bệnh tật cùng 5 đứa con. Trong đó: 2 đứa con bị bệnh bại não, kinh tế gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Những lúc nông nhàn, bà phải làm đủ nghề như nhặt phế liệu, đánh giấy ráp, phu hồ để tăng thêm thu nhập. Năm 2009, được vay 10 triệu đồng vốn NHCSXH, bà bàn với chồng quyết định mua một cặp bò sinh sản về chăn nuôi, tối thiểu mỗi năm có 1 bê con, bán cũng được 5 - 7 triệu đồng.

Bằng sức lao động cần cù, chịu khó, bà Gái đã làm nên điều kỳ diệu xây dựng được cơ nghiệp từ nguồn vốn NHCSXH. Đến nay, với số vốn được vay tăng lên 18 triệu đồng, bà mở thêm xưởng tiện gỗ giải quyết việc làm cho 4 lao động trong gia đình, bởi vậy cuộc sống phần nào giảm bớt khó khăn. Bà Gái thổ lộ: “Cuộc sống khá giả như hôm nay của gia đình tôi là nhờ vào nguồn vốn vay ban đầu theo chương trình ưu đãi hộ nghèo. Nguồn vốn tuy không nhiều những vô cùng ý nghĩa đã giúp gia đình xua đi cái khó, giảm cái nghèo”.

Để người nghèo, cận nghèo vươn lên

“Theo thống kê, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Bắc Ninh trong 5 tháng đạt hơn 100 tỷ đồng nâng tổng dư nợ thời điểm này lên 1.640 tỷ đồng, tăng gần 40 tỷ đồng so với cuối 2012. Trong đó: cho vay hộ nghèo hơn 460 tỷ đồng; học sinh, sinh viên 675 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 425,8 tỷ đồng; xuất khẩu lao động 5 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 7 tỷ đồng”.

Đến nay, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã cho hơn 400 nghìn lượt hộ nghèo và hộ chính sách vay vốn với doanh số hơn 4 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ 1.640 tỷ đồng, tăng 9,8 lần so với năm 2002. Nhờ được vay vốn, các hộ nghèo đã có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh đã có gần 47 nghìn lượt hộ vay vốn ưu đãi đã thoát nghèo, hơn 9 nghìn lượt hộ được nâng cao chất lượng cuộc sống, 6.500 lượt hộ chuyển biến về nhận thức và cách thức làm ăn, nhiều hộ trở thành gương điển hình làm kinh tế giỏi của tỉnh.

Trong 8 chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh có tới 7 chương trình ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên. Đặc biệt, chương trình cho vay hộ cận nghèo có hiệu lực từ ngày 16/4/2013 thực sự là “lực đẩy” để người dân tiếp cận vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, số vốn gần 50 tỷ đồng NHCSXH Việt Nam giao, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh đã giao cho  các đơn vị trực thuộc giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng. Ngoài nguồn vốn Trung ương cấp, tỉnh và NHCSXH sẽ cân đối nguồn vốn địa phương để giải ngân cho các hộ cận nghèo có nhu cầu vay. Đồng vốn ưu đãi đã đầu tư cho hàng nghìn người dân trong tỉnh vay vốn phát triển kinh tế gia đình cải thiện đời sống sẽ là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác