10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn ưu đãi: DÂN LỢI, HỘI VỮNG, NGÂN HÀNG ĐỠ VIỆC

27/05/2013
(Báo Nông thôn ngày nay) Quy mô dư nợ, số lượng chương trình tín dụng, chất lượng tín dụng của dòng vốn ưu đãi từ NHCSXH tăng nhanh... Đó là kết quả sau 10 năm (2003 - 2012) Hội Nông dân thực hiện uỷ thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Hội Nông dân và NHCSXH.
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Hà Phúc Mịch trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong việc thực hiện công tác ủy thác vay vốn

Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Hà Phúc Mịch trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong việc thực hiện công tác ủy thác vay vốn

Như tin đã đưa, ngày 24/5/2013 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình uỷ thác này.

Đảm bảo an sinh xã hội nông thôn

Báo cáo tổng kết của Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) nêu rõ: Nếu như năm 2003, Hội Nông dân Việt Nam, NHCSXH mới chỉ “bắt tay” thực hiện một chương trình tín dụng ưu đãi với vỏn vẹn hơn 3 nghìn tỷ đồng, thì hết năm 2012 đã tăng lên 14 chương trình với quy mô 37.990 tỷ đồng, chiếm 34% tổng dư nợ NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện đang có hơn 2,4 triệu hộ hội viên, nông dân đang được sử dụng vốn ưu đãi ủy thác thông qua Hội Nông dân. Năm 2008, bình quân 1 hộ vay chưa đến 10 triệu đồng thì đến nay, mức dư nợ bình quân đạt hơn 18,5 triệu đồng…

Việc quản lý nợ và thu hồi nợ quá hạn được các cấp hội coi trọng. Năm 2004, nợ quá hạn chiếm 3,14%, năm 2012 tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 1,04%… Nhờ được nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức”, đã có hàng ngàn hộ hội viên, nông dân thoát nghèo, trong đó: nhiều hộ vươn lên làm ăn khá giả, giàu có.

Để tạo được những kết quả tích cực trong hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi, Hội Nông dân Việt Nam, NHCSXH đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó: làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; thành lập, củng cố Tổ tiết kiệm vay vốn; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải ngân, sử dụng vốn… Bà Đặng Thị Thủy - Phó Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân khẳng định: “Cùng với giải ngân vốn, các cấp hội đã tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ dịch vụ, dạy nghề giúp hộ vay sử dụng vốn hiệu quả. Đó là 1 trong những giải pháp quan trọng giúp vốn ủy thác tăng trưởng nhanh, chất lượng tín dụng cao…”.

Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn cho biết, tại buổi làm việc vừa qua với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hiệu quả dòng vốn tín dụng ưu đãi và khẳng định nông dân là đối tượng trả nợ gốc, lãi tốt nhất.

Hoàn thiện phương thức ủy thác

“Tại Hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trao Bằng khen cho 20 tập thể, 18 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác cho vay ủy thác. NHCSXH công bố 38 cá nhân là cán bộ Hội Nông dân các cấp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Bằng khen; NHCSXH tặng Bảng vinh danh cho 36 cán bộ Hội Nông dân có thành tích xuất sắc trong công tác cho vay ủy thác…”.

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã khẳng định hiệu quả kép của hoạt động ủy thác cho vay vốn giữa Hội Nông dân Việt Nam và NHCSXH. Bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Phương thức ủy thác 6 công đoạn trong quy trình cho vay vốn mà NHCSXH và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện là cách làm năng động, sáng tạo; vốn đến đúng đối tượng, thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm cho hộ vay…”.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết: “Hoạt động cho vay ủy thác đã tạo thêm điều kiện để Hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với hỗ trợ thiết thực cho sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân. Trách nhiệm, vai trò, vị trí của tổ chức hội được nâng cao…”.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc NHCSXH khẳng định, phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam đã góp phần giúp NHCSXH tiết giảm chi phí, công khai, minh bạch, dân chủ trong sử dụng đồng vốn. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục hoàn thiện mô hình sau 10 năm thực hiện, ông Nguyễn Văn Lý cho biết, sắp tới NHCSXH sẽ tổ chức tổng kết phương thức ủy thác cho vay để từ đó có giải pháp hiệu quả, tăng trưởng dư nợ, nâng cao chất lượng tín dụng…

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn yêu cầu các cấp hội tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; cùng NHCSXH thực hiện việc cho hộ cận nghèo vay vốn theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ…

“Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay”

 

Nợ xấu ngân hàng thời gian qua là câu chuyện om sòm, nhưng những món vay rất nhỏ cho nông dân lại an toàn, hiệu quả. Đề nghị Chính phủ tăng nguồn cho vay, nâng mức vay ở tất cả các chương trình tín dụng. Đề nghị điều chỉnh chi trả phí hoa hồng ủy thác, trong đó: tăng cho cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn, tiết giảm ở cấp huyện trở lên. Lãi suất huy động, cho vay đang có xu hướng giảm, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với vốn tín dụng ưu đãi. Nông dân là lực lượng cách mạng quan trọng, đóng góp nhiều, nhưng chính sách cho nông dân chưa tốt. Vừa rồi, Nhà nước tung ra 30 nghìn tỷ đồng, lãi suất 6%/năm trong 10 năm để cho vay mua, thuê nhà xã hội ở thành phố. Tại sao lại không có chương trình tương tự cho nông dân?” - Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề.

 

 

 

 

 

“Hỗ trợ vốn ưu đãi cho tổ hợp tác xã”

 

Đề nghị Chính phủ tăng nguồn vốn để NHCSXH cho vay theo Nghị định 78/2002 về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH cần nghiên cứu bổ sung thêm các chương trình cho vay, tăng thêm vốn cho vay giải  quyết việc làm. Đối tượng  cho vay giải quyết việc làm là các cơ sở liên kết trong sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp chế biến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Những đối tượng này chính là đầu tàu kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…, - Ý kiến của Ông Đinh Văn Toản - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Tăng mức cho vay ở các chương trình tín dụng”

 

Đề nghị Chính phủ, NHCSXH có giải pháp xử lý số nợ từ năm 2002 trở về trước mà các chủ nợ đã mất, không có người nhận nợ các đối tượng vay là hộ không có khả năng trả nợ. Để tránh tình trạng tái nghèo đối với hộ vừa thoát nghèo, cần tiếp tục cho vay vốn thêm 1 chu kỳ nữa để tạo điều kiện tho nông dân làm ăn, tăng nguồn vốn và thời gian cho vay đối với hộ gia đình chính sách sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng mức vay ở nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn - Ông Hoàng Văn Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đề xuất.

Thanh Hiền - Đông Hoàng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác