Nhìn lại 5 năm “đầu tư” cho tương lai

21/02/2013
(Thời báo ngân hàng) Kết quả đạt được 5 năm qua của Chương trình tín dụng đối với HSSV cho thấy, đây là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội.
Untitled-1

Giải ngân tín dụng HSSV tại xã Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam

 Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (Quyết định 157) được tổ chức sáng 21/2/2013 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. Hội nghị đã đánh giá về sự lan tỏa, tính hiệu quả của chương trình trong suốt 5 năm qua.

Theo đánh giá của NHCSXH - đơn vị được giao nhiệm vụ giải ngân chương trình này, tín dụng đối với HSSV chỉ thực sự trở thành chương trình tín dụng lớn, đi vào cuộc sống khi ngày 27/9/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về tín dụng đối với HSSV. Với Quyết định này, đối tượng vay vốn đã được mở rộng hơn, mức cho vay được nâng lên, lãi suất cho vay điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp hơn với thực tế trong từng thời kỳ.

Tính ưu đãi của chương trình còn được thể hiện: trong thời gian đang theo học tại các cơ sở đào tạo và một năm sau khi ra trường thì người vay chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay. Trường hợp người vay trả nợ trước hạn sẽ được hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình tín dụng này là chỉ cần HSSV đúng đối tượng vay vốn, thì ở vùng miền nào cũng đều được vay vốn. Một trong những gia đình may mắn có sự hỗ trợ kịp thời của chương trình tín dụng HSSV là gia đình ông Nguyễn Trường Thành, tổ 5, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Gia đình thuộc hộ nghèo của phường Ngô Mây, nên khi năm 2007 cô con gái Nguyễn Thị Lệ Trang thi đỗ vào Trường đại học Quy Nhơn, ông Thành đứng ngồi không yên. Mừng thì mừng thật nhưng nhìn vào chi phí cho con đi học trong 4 năm khiến nhiều đêm ông trằn trọc suy nghĩ không sao ngủ được.

Thật may, đúng vào năm 2007 - thời điểm mà chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157 có hiệu lực, nên gia đình ông đã được NHCSXH cho vay vốn, tạo điều kiện để con gái ông bước chân vào giảng đường đại học. Đến nay Nguyễn Thị Lệ Trang đã ra trường, có việc làm ổn định.

Đã qua mấy năm rồi, giờ nhắc lại, ông Thành vẫn rưng rưng vì xúc động: “Không có chương trình tín dụng HSSV này thì vợ chồng tôi không tròn bổn phận làm cha mẹ là cho con cái học hành đến nơi đến chốn”. Năm 2013 gia đình ông bắt đầu phải trả dần khoản nợ đã vay cho NHCSXH theo đúng định kỳ.

Trường hợp của sinh viên Nguyễn Thị Lệ Trang chỉ là một trong số hơn 3 triệu lượt HSSV được vay vốn sau 5 năm chương trình được triển khai. Theo NHCSXH, đến nay đang còn 1,9 triệu hộ gia đình vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học. Dư nợ cho vay đến 31/12/2012 là 35.802 tỷ đồng. Cơ cấu cho vay theo đối tượng thụ hưởng cũng khá đa dạng:

Đối tượng hộ nghèo dư nợ là 10.116 tỷ đồng với 532 ngàn hộ, chiếm 28,2% tổng số hộ dư nợ. Đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo, dư nợ là 13.766 tỷ đồng với 677 ngàn hộ, chiếm 35,9% tổng số hộ dư nợ. Đối tượng hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính là 11.853 tỷ đồng với 672 ngàn hộ chiếm 35,6% tổng số hộ dư nợ. Đối tượng là HSSV mồ côi, lao động nông thôn học nghề, bộ đội xuất ngũ học nghề dư nợ là 66 tỷ đồng với gần 5 nghìn hộ, HSSV chiếm tỷ trọng 0,3% tổng số hộ dư nợ.

Chương trình đã được triển khai sâu rộng đến các địa phương trên toàn quốc, với sự vào cuộc và tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là 4 tổ chức Hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phương thức cho vay ủy thác từng phần giữa VBSP với các tổ chức hội, đoàn thể đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện xã hội hoá công tác cho vay, dân chủ, công khai trong việc bình xét về đối tượng thụ hưởng cũng như quản lý, sử dụng vốn vay.

Kết quả đạt được 5 năm qua của chương trình tín dụng đối với HSSV cho thấy, đây là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV theo Quyết định 157/QĐ-TTg là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.

Nhiều tổ chức xã hội đoàn thể ở địa phương khẳng định, chương trình tín dụng HSSV mang tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện ở các khâu tạo lập, huy động nguồn vốn, tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn quan tâm trong việc bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện chương trình. Tuy nhiên, do chương trình có nhu cầu nguồn vốn lớn, thời gian cho vay dài, nên có thời điểm gặp khó khăn trong việc cân đối vốn, NHCSXH phải vay Kho bạc Nhà nước, NHNN để đảm bảo kịp thời vốn cho chương trình nên nguồn vốn của Chương trình chưa có tính ổn định, bền vững.

Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác