Có một Sa Pa khác…

23/01/2013
(Nhân dân điện tử) - Đằng sau phong cảnh nên thơ và sự quyến rũ của các điểm du lịch, Sa Pa còn một cuộc sống khác - cuộc sống vẫn đong đầy vất vả của bà con các dân tộc, khi bài toán vượt qua đói nghèo vẫn luôn là bài toán khó mà chính quyền và hàng ngàn hộ dân nơi đây đang nỗ lực đi tìm lời giải...
1 - 600

a Chị em người Dao đỏ làm hàng thổ cẩm ở Câu lạc bộ thổ cẩm xã Tả Phìn

Anh Chảo Pết Lẩy - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chải - xã 135 của huyện Sa Pa (Lào Cai) giới thiệu, Trung Chải có 640 hộ dân, đa phần là dân tộc H’Mông, Dao, cách thị trấn Sa Pa non 20km, nhưng là xã có điều kiện địa hình trở ngại, “có mỗi vị trí hợp lý nhất nằm ven đường từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sa Pa thì dành xây trụ sở Ủy ban và trường học đây rồi”.

Trung Chải có 640 hộ dân, năm ngoái tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%, nhưng đợt tổng rà soát mới đây tỷ lệ hộ nghèo đã rút xuống còn 48%. Giải đáp thắc mắc của chúng tôi về con số giảm nghèo “ấn tượng” - tới khoảng 12% chỉ trong vòng một năm, anh Chảo Pết Lẩy cho hay, đó là kết quả tích lũy từ hiệu quả của công tác giảm nghèo trong nhiều năm, đặc biệt có tác động tích cực từ các chương trình tín dụng chính sách.

“Xã có 406/640 hộ dân có dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 6,5 tỷ đồng, hộ vay cao nhất là 30 triệu đồng” - anh Lẩy cho biết.

Chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo là chương trình có đông hộ vay nhất - 316 hộ, với hơn 4,63 tỷ đồng dư nợ. Nhà anh Chảo Pết Lẩy cũng vay hai món, một là vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 30 triệu để đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi trâu, khai hoang trồng thảo quả, món kia là 8 triệu vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường.

“Khoản tiền nhỏ thôi, nhưng quan trọng lắm với cuộc sống gia đình 4 người nhà tôi” - anh Lẩy chia sẻ - “Nhờ tiền đó mà nuôi được con lợn, mua được con trâu, ít ra nhà cũng có tý của cải, có đồng ra đồng vào”.

Tôi đến UBND xã Trung Chải đúng vào phiên giao dịch của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sa Pa tại xã. Anh Giàng A Sử ở thôn Chu Lìn 2 đang đến trả gốc và lãi khoản vay theo chương trình hộ nghèo. “Vay tiền trồng thảo quả, giờ được thu hoạch, bán đi ít bao là đủ trả nợ thôi” - anh Sử vui vẻ khoe. Đang đứng gần đấy, anh Châu A Sinh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Chu Lìn 1 chia sẻ, nhờ sinh hoạt trong cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhau mà tháng nào bà con cũng gặp nhau để họp tổ, nhân tiện phổ biến kiến thức kỹ thuật và kiểm tra việc sử dụng vốn của bà con. “Phải sao sát kịp thời chứ, lỡ bà con không biết cách làm ăn, rồi sử dụng vốn sai mục đích thì mình biết thu lại tiền bằng cách nào” - anh Châu A Sinh nói.

Cách Trung Chải không xa, Tả Phìn được coi là điểm du lịch hấp dẫn, với nhà thờ cũ, những nếp nhà gỗ xinh xắn trong bản Dao đỏ, những người phụ nữ Dao khéo léo làm thổ cẩm rất đẹp, cả bài thuốc tắm dân gian độc nhất vô nhị. Nhưng, Tả Phìn còn một cuộc sống khác. Xã có 552 hộ, trong đó 162 hộ nghèo, là nơi sinh sống của bà con các dân tộc Kinh, H’Mông, Tày, Giáy, Dao, Hà Nhì, Phù Lá… rải rác ở 6 bản Tả Chải, Sả Xéng, Suối Thầu, Giàng Cha, Can Ngài, Lủ Khấu.

Vì là xã du lịch, nên nhiều gia đình ở Tả Phìn sống nhờ vào du lịch, mà chủ yếu vẫn là làm đồ thổ cẩm và bán hàng lưu niệm cho khách. “Giờ Tả Phìn còn là xã có nhiều mô hình sử dụng vốn chính sách hiệu quả phát triển kinh tế bền vững” - ông Giàng A Chô, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở bản Can Ngài kể - “Dân nghèo trong bản được vay tiền mua trâu, máy, khai hoang, làm thảo quả, còn dư lại tí tiền nào thì tham gia làm thổ cẩm. Trước đây các hộ nghèo chỉ làm thuê, giờ có vốn, biết đổi mới làm ăn, đời sống người dân đã khác hẳn. Trước không có trâu, giờ có tiền mua trâu, trồng thảo quả, khai được ruộng, mua được máy cày”. Rồi ông kể, đến như việc thu lãi mà ông được giao chịu trách nhiệm nhận từ bà con, “trước thu theo quý một lúc nộp nhiều tiền đến kỳ bà con khó xoay xở. Giờ cũng dễ hơn vì việc thu lãi theo tháng cũng phù hợp với điều kiện của bà con, chỉ cần bán một con gà là đủ”.

Trước đây, bản của ông Chô mỗi năm chỉ thoát nghèo 2 - 3 hộ, năm ngoái đã thoát nghèo được chục hộ. “Hộ anh Giàng A Chỉnh khi mới tách ra nghèo lắm, vay 30 triệu đồng trồng thảo quả, đào mảnh ruộng, làm đủ cơm ăn lại còn thu được tạ rưỡi thảo quả, mua được máy cày, xe máy, bây giờ còn làm được nhà gỗ sạch đẹp” - ông Chô khoe - “Hộ anh Vàng A Tòng bố mất sớm, mẹ ốm yếu, hoàn cảnh rất khổ, vay vốn ưu đãi trồng thảo quả, đào ruộng, mua trâu, giờ đã làm được nhà rất sạch, không thiếu cơm ăn nữa rồi. Hộ anh Giàng A Hồ trước kia nghèo lắm, nhà be bé như cái lều, được vay vốn chương trình 167 hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo khu vực nông thôn, nhà nước hỗ trợ, anh em chia sẻ, làm được căn nhà sạch đẹp này rồi. Trước không biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên thiếu ăn, rồi vay được tiền NHCSXH, lại được chia sẻ kiến thức chăn nuôi, đào được ruộng, mua được trâu, giờ thoát nghèo rồi đấy”.

2 - 600

Một phiên giao dịch của NHCSXH tại xã Trung Chải

Hoàng Mạnh Quyền về công tác ở Sa Pa nhiều năm nay, và như hầu hết đồng nghiệp ở Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sa Pa, Quyền là một người trẻ nhiệt huyết với bà con, tận tình với công việc. Anh kể, trước khi về Sa Pa, anh đã từng làm công tác kiểm tra giám sát ở Hội sở chi nhánh tỉnh Lào Cai, cũng “quen lặn lội rồi”, nhưng lên Sa Pa, anh em cán bộ ngân hàng không tích cực không được: “Bản trải dài trên những triền núi, kéo dài nhiều cây số. Anh em chỉ có cách cùng với các cán bộ hội, đoàn thể của xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đi bộ, lặn lội trèo qua những mỏm núi để đến nhà bà con. Đi như thế, ngoài việc tận mắt thấy bà con dùng tiền vay của Chính phủ như thế nào, còn học được nhiều điều nữa, học cách thông cảm với điều kiện sống khó khăn của bà con, học cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để khắc phục khó khăn trong cuộc sống”.

“Giờ điện thoại di động nhiều rồi, ai cũng có, nhưng nhiều hộ bà con dùng sim khuyến mãi, dùng hết tiền thì bỏ, nên Tổ trưởng cũng không liên lạc được. Tổ trưởng cũng dùng sim khuyến mãi nên nhiều lúc xã và cán bộ ngân hàng không liên lạc được” - Quyền kể - “Nhưng đi kiểm tra, cán bộ không chỉ kiểm tra được việc vay vốn, phổ biến kỹ thuật nuôi trồng, mà còn tuyên truyền được chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền chống nạn buôn người…”.

Đằng sau phong cảnh nên thơ và sự quyến rũ của các điểm du lịch, Sa Pa còn một cuộc sống khác - cuộc sống vẫn đong đầy vất vả của bà con các dân tộc nơi đây. Làm sao để thoát nghèo là câu hỏi mà chính quyền, các cơ quan hữu trách và hàng ngàn hộ đồng bào các dân tộc nơi đây đang nỗ lực mỗi ngày tìm câu trả lời…

Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác