Những “triệu phú chân đất” ở Bảo Thắng

28/12/2013
(VBSP News) Nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã lan tỏa tới các xã, thị trấn và đến từng thôn, bản của huyện Bảo Thắng (Lào Cai), thu hút hàng nghìn hộ nông dân tham gia. Số hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi, hộ nghèo vượt khó trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Năm 2013, toàn huyện có 4.012 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 21% tổng số hộ nông dân toàn huyện. Con số đó nói lên tinh thần hăng say lao động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật của nông dân huyện vùng cao Bảo Thắng. Và, có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH.
Những “triệu phú chân đất”

Những “triệu phú chân đất”

Nổi bật trong phong trào này là những “triệu phú chân đất”, có “lý lịch” trích ngang: xuất thân từ những hộ nghèo, vay vốn NHCSXH, vượt khó vươn lên. Đó là ông Trần Văn Thái ở thôn Tân Thắng, xã Thái Niên. Nhà có 5 người, thuộc diện hộ nghèo từ năm 2010. Thông qua Hội Nông dân, ông được vay 30 triệu đồng. Có vốn, ông mua 1 con trâu và 6 sào ruộng nước. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 2,6 tấn thóc, 4 tấn sắn tươi, 20 triệu đồng từ chăn nuôi lợn, gà. Quy ra tiền, tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông Thái đạt trên 60 triệu đồng. Cuối năm 2012, gia đình ông đã thoát nghèo và trở thành “triệu phú chân đất” ở thôn Tân Thắng.

Khác với ông Thái, Triệu Văn Hai - dân tộc Dao ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà là một nông dân còn trẻ. Năm 2006, khi mới lập gia đình, cuộc sống của hai vợ chồng chỉ trông mong vào mấy sào ruộng, cứ đến mùa giáp hạt là thiếu ăn. Cái đói, cái nghèo bám theo gót chân đôi vợ chồng trẻ. Năm 2009, thông qua Hội Nông dân xã, anh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và được vay 20 triệu đồng. Vốn vay ngân hàng, cộng với ít tiền vợ chồng tích cóp được, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Mỗi năm, anh nuôi 3 lứa gà thả đồi và 2 lợn nái sinh sản, lấy giống để nuôi lợn thịt và 1 cặp trâu sinh sản. Ngoài ra, anh còn có 2 ao nuôi cá, trồng ngô và cấy lúa. Sau khi đã trừ hết chi phí, từ mô hình kinh tế tổng hợp đem lại cho anh nguồn thu ổn định trên, dưới 50 triệu đồng/năm.

Trường hợp gia đình ông Thái, anh Hai chỉ là hai trong hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ “cái cần câu” của NHCSXH, bắt nhịp với phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, khơi dậy tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo của người dân. Nhờ đó, ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng có những bước phát triển bền vững, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh và đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2013, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tăng 8,5% so với năm 2010. Các mô hình phát triển kinh tế hộ theo hướng gia trại, trang trại ngày càng tăng, từng bước hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, như: vùng dứa ở Bản Phiệt, Bản Cầm với diện tích 780ha; vùng chuối ở xã Thái Niên, Bản Cầm, Sơn Hà 700ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Về chăn nuôi, hiện nay toàn huyện có 75 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô nuôi công nghiệp; diện tích nuôi thủy sản 618ha. Các loại hình thương mại, dịch vụ cũng phát triển mạnh, nhát là dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, chế biến, bao tiêu nông sản.

Theo ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng, năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo ở Bảo Thắng giảm xuống còn 21,89%. Hiện, toàn huyện còn hơn 5.900 hộ nghèo, 3.995 hộ cận nghèo. Mục tiêu của huyện đề ra, giảm trên 6% hộ nghèo/năm. Xuất phát từ yêu cầu đó, ngay từ những ngày đầu năm 2013, NHCSXH huyện đã đẩy mạnh việc thu hồi vốn và tái đầu tư quay vòng vốn đến với hộ nghèo, nhằm tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. “Phần lớn các hộ nghèo ở Bảo Thắng vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, sử dụng vốn có hiệu quả” - bà Trần Thị Đoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng nhận xét.

Bài và ảnh Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác