Để miền núi tỉnh Thanh Hóa xóa nghèo nhanh, bền vững

25/12/2013
(VBSP News) Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông. Toàn tỉnh, có 1 thành phố, 2 thị xã và 24 huyện; trong đó có 11 huyện miền núi. Năm 2013, Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị thảo luận về đề án xóa nghèo nhanh và bền vững cho khu vực miền núi. Các đại biểu nhận định: đây là vấn đề khó, có tính chất chiến lược của tỉnh, nhưng lại được bắt đầu từ những chương trình, mô hình rất cụ thể, như việc cho vay và sử dụng vốn vay của NHCSXH.
Chăn nuôi bò dưới tán rừng (trồng) của ông Vi Văn Pét ở bản Chai, xã Mường Chanh đạt hiệu quả kinh tế cao

Chăn nuôi bò dưới tán rừng (trồng) của ông Vi Văn Pét ở bản Chai, xã Mường Chanh
đạt hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là khu vực miền núi, chương trình giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm từ 51,3% (theo chuẩn nghèo mới) năm 2010, xuống còn 28% năm 2012, bình quân giảm 7,35%/năm. Kinh tế khu vực miền núi có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm (toàn tỉnh là 22 triệu đồng), gấp 2,6 lần năm 2006.

Đề án đã phân tích và chỉ rõ những nguyên nhân nghèo tại các huyện miền núi, đồng thời đề ra mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, khu vực miền núi; tăng cường đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo… phấn đấu từ nay đến hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi giảm 5%/năm trở lên.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, nhấn mạnh: Xóa nghèo ở khu vực miền núi phía Tây luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Trng ương và của tỉnh. Để thực hiện hiệu quả công tác xóa nghèo ở khu vực miền núi thì mỗi huyện, mỗi ngành ở tỉnh Thanh Hóa cần có đề án riêng, nhằm cụ thể hóa từng nội dung công việc, có hướng tiếp cận các nguồn giải pháp theo vùng, theo cộng đồng dân cư và theo hộ… Đồng thời, rà soát lại các chính sách xóa nghèo ở khu vực miền núi, theo hướng giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp đời sống, chú trọng vào các chính sách hỗ trợ gián tiếp, nhất là chính sách hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp hội, đoàn thể ở tỉnh Thanh Hóa đã có những chương trình thiết thực, cụ thể hướng tới công cuộc xóa nghèo nói chung và khu vực miền núi nói riêng. Qua 3 năm thực hiện đề án “Nhân rộng và nâng cao chất lượng câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo”, Hội Phụ nữ tỉnh đã thành lập được 218 Câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo ở các xã miền núi, bãi ngang khó khăn, thu hút trên 10.000 phụ nữ nghèo, đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm chủ hộ tham gia sinh hoạt. Bà Phạm Thị Quyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để các Câu lạc bộ phụ nữ của huyện hoạt động có kết quả, các thành viên trong Ban chủ nhiệm được tập huấn kỹ năng điều hành câu lạc bộ do tỉnh hội tổ chức. Hội nhận ủy thác của NHCSXH, cho 995 thành viên trong các Câu lạc bộ vay vốn ưu đãi 9,2 tỷ đồng để phát triển kinh tế, làm nhà. Hội phối hợp với Trạm khuyến nông, khuyến lâm, Trung tâm học tập cộng đồng mở 116 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… Sau 3 năm thực hiện đề án “Nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo”, đã giúp cho 336 gia đình phụ nữ là chủ hộ thoát nghèo bền vững; 252 hộ làm được nhà mới từ các chương trình của Nhà nước.

Nhằm giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thời gian qua thực hiện chương trình “đồng hành hỗ trợ thanh niên vay vốn”, Đoàn Thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với NHCSXH giúp cho trên 25.000 hộ thanh niên vay vốn. Riêng huyện Lang Chánh, đến nay tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên nhận ủy thác 27,6 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần giúp tuổi trẻ trong huyện khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, đầu tư phát triển kinh tế rừng, trang trại, chăn nuôi…

Quyết định xóa nghèo dựa chủ yếu trên việc khai thác được các tiềm năng, nguồn lực, lợi thế so sánh của khu vực miền núi. Giai đoạn trước mắt, Thanh Hóa vẫn xác định kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp là chủ đạo. Trong đó, cần rà soát quy hoạch các loại cây trồng vật nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa gắn với chế biến. Tập trung thâm canh nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cần ưu tiên hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến lớn, có khả năng kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và liên vùng; quan tâm phát triển giao thông nông thôn ở những nơi có điều kiện; sau đó là hệ thống thủy lợi, nhất là các hồ đập nhỏ để phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp.

Bài và ảnh Khánh Hồ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác