Hiệu quả từ chương trình chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

28/08/2013
(VBSP News) Nhằm giúp người dân an tâm sống chung với lũ và giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra, ngày 14/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Chòi tránh lũ của gia đình ông Phạm Văn Kháng

Chòi tránh lũ của gia đình ông Phạm Văn Kháng

Nằm trong chương trình thí điểm, Thanh Hóa có 100 hộ nghèo chưa có nhà ở ổn định thuộc ba xã: Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc), Thành Trực và Thạch Định (huyện Thạch Thành), được hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ. Sau khi hoàn thành, chòi tránh lũ đã giúp người dân chủ động trong việc phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ.

Ba xã nói trên thuộc xã nghèo của hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành, cùng chung đặc điểm có con sông Bưởi chạy qua, hằng năm luôn bị ngập lụt. Chỉ cần mưa lớn liên tục trong vài ngày, đê bao sông Bưởi mực nước dâng cao là các xã bị ngập. Kinh tế của các xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, mùa lũ năm nào diện tích gieo trồng hầu như mất trắng, lương thực dự trữ, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, học hành của con em bị gián đoạn. Nguy hiểm hơn, mưa lũ còn đe dọa tính mạng người dân do các hộ gia đình chưa xây dựng được nhà ở kiên cố.

Thực hiện Quyết định số 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chòi tránh lũ cho 100 hộ nghèo của ba xã đã góp phần rất lớn trong việc ổn định cuộc sống của người dân.

Đứng bên “chòi” tránh lũ cao 2 tầng ngất ngưởng, xung quanh còn bộn bề gạch, đá, vôi vữa, ông Phạm Văn Kháng 75 tuổi, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, bắt đầu câu chuyện làm chòi tránh lũ bằng giọng hài hước: “Suýt chút nữa tôi và đứa con tật nguyền đã không có cái “chòi” này đâu. Bởi khi đưa vào danh sách 50 hộ quê tôi được Nhà nước hỗ trợ làm chòi tránh lũ, tôi “chê” không nhận, xin rút khỏi danh sách và nhường cho hộ “khá” hơn, vì tiền hỗ trợ… ít quá”.

Tiếp câu chuyện của ông Kháng, ông Trịnh Đức Đông - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng cười và giải thích: Sau khi tiếp nhận chủ trương được hỗ trợ làm chòi tránh lũ cho 50 hộ nghèo thuộc vùng ngập lũ, theo danh sách bình xét từ thôn, gia đình ông Kháng thuộc diện được ưu tiên hỗ trợ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai, ông Kháng lẳng lặng lên UBND xã và từ chối không nhận hỗ trợ. Lý do ông đưa ra là gia đình ông chỉ có hai bố con, bản thân ông nay đã 75 tuổi, không còn khả năng lao động. Người con của ông thì tật nguyền, cũng không biết làm gì để sinh sống. Thu nhập chính của hai bố con ông chỉ dựa vào hơn 2 sào ruộng khoán; mùa vụ phải thuê mượn hết, làm chỉ đủ gạo ăn. Mà theo tính toán, kinh phí hoàn thành cái chòi cũng phải lên đến 40 - 50 triệu đồng. Vay mượn thêm thì bố con ông biết lấy gì để trả khoản nợ lớn như vậy?.

Vậy là cán bộ xã, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, như: Hội Người cao tuổi, MTTQ xã… phải đến tận nhà tuyên truyền, động viên ông Kháng hiểu rõ đây là chính sách ưu việt, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo vùng ngập lũ. Gia đình nên cố gắng vận động các nguồn khác, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để làm được chỗ tránh lũ mỗi khi mùa mưa về…

Nhưng cũng phải mất nhiều lần động viên, thuyết phục, ông Kháng mới tiếp nhận hỗ trợ của chương trình. Được bà con, họ hàng cho vay thêm 30 triệu đồng, cùng với hỗ trợ về ngày công lao động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã…, giữa năm 2013, chòi tránh lũ của gia đình ông Kháng đã hoàn thiện. Đây cũng là công trình cuối cùng trong tổng số 100 chòi được xây dựng theo kế hoạch năm 2012 tại tỉnh Thanh Hóa.

Gọi là “chòi” nhưng nhìn vào ngôi nhà xây dựng 2 tầng kiên cố, diện tích khoảng 30m², không ai nghĩ đây là cái chòi chỉ sử dụng để tránh lũ. Ông Đông cho biết thêm: Trong 50 hộ được hỗ trợ xây chòi tránh lũ ở xã Vĩnh Hưng, không có hộ gia đình nào làm theo mô hình chòi tránh lũ. Bởi theo tính toán của bà con, không phải năm nào lũ cũng về. Nếu thời tiết bình thường, không đưa chòi tránh lũ vào sử dụng sẽ rất lãng phí.

Vì vậy, cùng với 10 triệu đồng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, 10 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, các hộ gia đình đã vận động vay mượn anh em, dòng họ xây dựng theo mô hình nhà ở gắn liền với chòi tránh lũ. Mỗi nhà chòi diện tích từ 30 - 60m². Kinh phí xây dựng trung bình là 60 triệu đồng/chòi. Cá biệt có hộ kinh phí xây dựng lên đến 100 - 150 triệu đồng.

Ông Lê Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 716 của huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: Theo chương trình, huyện Vĩnh Lộc được hỗ trợ cả vốn vay ưu đãi, vốn ngân sách Trung ương là 1 tỷ đồng. Đây được xem là nguồn kích cầu của Nhà nước để các hộ nghèo vùng lũ vươn lên, xây dựng cho gia đình một căn nhà kiên cố, vững chãi. Tổng số tiền mà các hộ gia đình huy động từ cộng đồng lên đến 2 tỷ đồng, gấp 200% tiền hỗ trợ từ chương trình.

Hỗ trợ xây chòi tránh lũ được khẳng định là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, giúp hộ nghèo có thêm kinh phí vững vàng trong cải thiện nhà ở, sinh hoạt. Khi có lũ, các hộ yên tâm phòng tránh lũ lụt, bảo vệ tài sản và con người. Vì vậy, khi chủ trương phổ biến đến nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Quá trình triển khai được các cấp, ngành, nhất là địa phương nơi được hỗ trợ vào cuộc quyết liệt.

Riêng tại xã Vĩnh Hưng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang tính thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ hộ nghèo trong triển khai xây dựng. Đó là UBND xã trực tiếp đứng ra ký bảo lãnh với các đại lý để các hộ mua vật liệu xây dựng. Gia đình nào khó khăn về lao động, xã huy động lực lượng Đoàn viên thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… đến giúp đào móng, đắp nền, dọn dẹp với hàng nghìn lượt người tham gia, trị giá ngày công quy ra tiền là 49 triệu đồng.

Ông Lê Hữu Quyền - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc giải ngân theo Quyết định số 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng và kịp thời; đảm bảo mục đích, ý nghĩa to lớn mà Quyết định số 716 hướng tới là giúp người dân nghèo vùng lũ có nhà ở khang trang, cao ráo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão, góp phần từng bước ổn định an sinh xã hội.

Năm 2013, Thanh Hóa được lựa chọn là 1 trong 14 tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình theo Quyết định số 716. Tuy nhiên, theo mong muốn và nguyện vọng của bà con vùng lũ tỉnh Thanh Hóa, Chính phủ nên xem xét tăng mức hỗ trợ và mức vay ưu đãi cho các hộ nghèo có đủ điều kiện để làm chòi tránh lũ; đồng thời, mở rộng đối tượng được hỗ trợ đối với hộ cận nghèo ở vùng bị lũ.

Được biết, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc tiếp tục thực hiện xây chòi tránh lũ trong năm 2013 để các địa phương thực hiện. Vì vậy, bà con vùng lũ tỉnh Thanh Hóa đang rất trông chờ chính sách sớm được triển khai.

Theo Báo Văn hóa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác