Đi lên từ gian khó
Mục tiêu xóa nghèo
Tân Sơn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, được thành lập từ năm 2007 theo Nghị định số 61/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Thanh Sơn. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 69.000ha; gồm 17 xã, 195 khu dân cư với dân số 77.650 người, có 8 dân tộc sinh sống, trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm tới 83%.
Khi mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của huyện lên tới 61,8%, vì vậy, xoá nghèo được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, Tân Sơn đã đầu tư nhiều dự án cho các chương trình giảm nghèo bằng các nguồn vốn khác nhau và đạt được kết quả ban đầu khá tích cực; như: cơ bản xóa xong hộ đói, giảm hộ nghèo, số lao động có việc làm hàng năm có xu hướng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên quá trình thực hiện chương trình xóa nghèo của huyện Tân Sơn còn nhiều hạn chế; như: tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân của tỉnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân, còn ở mức thấp.
Năm 2003, NHCSXH huyện Thanh Sơn được thành lập (gồm cả huyện Tân Sơn ngày nay) và được giao thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tháng 08/2007, NHCSXH huyện Tân Sơn được thành lập theo Quyết định số 125/QĐ- HĐQT ngày 19/7/2007. Khi mới thành lập, dù còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nhưng được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và NHCSXH tỉnh, NHCSXH huyện Tân Sơn đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục tiêu của địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình vay vốn ưu đãi, giúp các đối tượng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thành quả
Sau 10 năm đi vào hoạt động (kể cả khi còn thuộc huyện Thanh Sơn), NHCSXH huyện Tân Sơn ngày càng lớn mạnh. Đến nay, NHCSXH huyện đã xây dựng được mạng lưới 17/17 Điểm giao dịch xã, 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong các chương trình tín dụng mà NHCSXH huyện Tân Sơn triển khai, chương trình dành cho hộ nghèo được đánh giá là hiệu quả nhất. Dư nợ cho vay khi mới thành lập chỉ đạt 28,243 tỷ đồng; trong đó, nợ quá hạn là 28 triệu đồng. Từ năm 2007 - 2012, doanh số cho vay hộ nghèo đạt 164,698 tỷ đồng, có 20.018 lượt hộ nghèo được vay vốn, bình quân mỗi hộ được vay 8,23 triệu đồng. Mức cho vay bình quân năm sau cao hơn năm trước, nếu như năm 2007 là 5,8 triệu đồng/hộ thì đến năm 2012 đạt 14,5 triệu đồng/hộ.
Tổng dư nợ đến 30/6/2013 đạt 228,042 tỷ đồng, bằng 98,5% kế hoạch năm; có 14.238 hộ dư nợ; trong đó, nợ quá hạn là 280 triệu đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ. Trong 5 năm, vốn tín dụng cho hộ nghèo đã giúp 4.734 hộ thoát nghèo; 3.711 hộ nghèo cải thiện đời sống; 2.481 hộ chuyển biến nhận thức và cách làm ăn; 10.286 lao động có việc làm mới.
Gia đình vợ chồng chị Hà Thị Sang, anh Hà Tiến Hùng ở khu 10A, xã Tân Phú, là một trong những hộ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng để thoát nghèo. Là hộ có hoàn cảnh khó khăn, sau khi được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, nhờ chịu khó, biết tính toán làm ăn, đến nay gia đình chị đã trở thành hộ khá giả nhất nhì khu. Chị Sang kể lại, năm 2003 vợ chồng chị xin ra ở riêng, hoàn cảnh hai bên gia đình đều khó khăn nên anh chị chỉ có trong tay 500 nghìn đồng và gần 100kg lúa làm vốn. Nguồn vốn ít ỏi ấy chỉ đủ để vợ chồng chị dựng ngôi nhà tranh ở tạm. Khi làm nhà xong cũng là lúc anh chị không còn tiền để đầu tư, phát triển kinh tế nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Năm 2004, chị được NHCSXH cho vay 4 triệu đồng, chị tập trung buôn bán nhỏ kết hợp với chăn nuôi lợn, gà; còn anh Hùng đi làm thợ xây kiếm thêm thu nhập.
Biết sử dụng nguồn vốn để quay vòng, nên năm 2007 gia đình chị đã thoát nghèo, trả được nợ ngân hàng. Không hài lòng với những gì mình có, chị tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng quy mô nuôi lợn, gà, mượn đất đồi trồng keo (cây nguyên liệu giấy). Ngoài ra, thấy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại địa phương lớn, anh chị chuyển sang mổ để bán. Từ việc nuôi lợn, gà, trồng chè, keo, buôn bán thịt lợn, đến nay gia đình chị đã làm được ngôi nhà cao tầng trị giá hơn 300 triệu đồng, trở thành hộ khá trong khu.
Chị Sang tâm sự: “Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, trước hết phải nhờ đến nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Trong lúc khó khăn, nguồn vốn vay không nhiều nhưng đã giúp vợ chồng tôi có tiền để buôn bán, chăn nuôi. Khi dành dụm được ít vốn, chúng tôi lại mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, gà, tỏi, trồng keo, chè. Cứ thế cuộc sống dần ổn định, xây được nhà cửa kiên cố, lo cho con cái ăn học đầy đủ”.
Hoàng Văn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Động lực để phụ nữ làm giàu
- » Vốn tín dụng HSSV phát huy hiệu quả dưới chân đèo An Khê
- » Chung tay xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer
- » Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Các huyện nghèo ở Quảng Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Phép màu đến với hộ nghèo
- » Điểm tựa cho HSSV nghèo
- » 80% hộ nông dân tỉnh Phú Thọ sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi
- » Người nghèo ở tỉnh Lâm Đồng đã biết sắm "cần câu"
- » Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Cần Thơ