Người nghèo ở tỉnh Lâm Đồng đã biết sắm “cần câu”

20/08/2013
(VBSP News) Thay vì "con cá" như những năm trước đây, chỉ cung cấp tạm thời, hỗ trợ trực tiếp theo kiểu "ăn xổi" giúp người nghèo tránh được cái đói trước mắt. Hiện tại, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, tỉnh Lâm Đồng đã tạo được hệ thống an sinh xã hội tốt, giúp cho người nghèo thực sự có được chiếc "cần câu" để thay đổi cuộc sống.
Nhiều hộ nghèo ở xã Tà Hine được nhận cà phê giống về trồng

Nhiều hộ nghèo ở xã Tà Hine được nhận cà phê giống về trồng

Với tài sản hiện có gồm 4 con bò và 5 sào trồng rau, củ thương phẩm các loại, khó ai có thể nghĩ anh Ya Uông ở thôn Krăng Gọ, huyện Đơn Dương là chủ một hộ nghèo trong những năm vừa qua. Người đàn ông dân tộc Churu này cùng vợ từng phải oằn mình đi làm thuê để chạy ăn từng bữa cho 4 đứa con và 2 người em trai bị mắc bệnh tâm thần. Cuộc sống chỉ thực sự thay đổi, khi gia đình anh được vay những đồng vốn từ NHCSXH cũng như tiền hỗ trợ từ Chương trình 30a. Với số vốn 20 triệu đồng, anh mua bò và trồng rau, thêm vào đó là sự chắt chiu, cần mẫn. Hiện tại, khá giả hẳn là chưa, nhưng gia đình anh cũng không còn rơi vào cảnh phải lo cái đói ám ảnh hàng ngày. Gia đình Ya Uông chỉ là một trong nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo ở huyện Đơn Dương biết dùng đồng vốn ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra chiếc “cần câu” bền vững trong việc thay đổi cuộc sống nghèo khó.

Ông Ngô Hữu Hay - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đối với Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để về cơ sở giám sát, đánh giá một cách cụ thể. Qua đó, tìm hiểu nguyện vọng của người dân nghèo, để cùng với các địa phương có kế hoạch cụ thể nhằm tìm ra hướng đi phù hợp, giải quyết, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm hộ nghèo theo cách hợp lý nhất”.

Ở huyện Đơn Dương, câu chuyện giúp cho người dân có được chiếc “cần câu” thay vì “con cá” cũng đã được chính quyền và ngành chức năng triển khai hợp lý theo cách hiệu quả nhất. Ngoài những đồng vốn từ các Chương trình 135, 30a… được giải ngân sớm, giao về tận tay các hộ, giúp người nghèo có được nguồn lực để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Huyện cũng đã chỉ đạo cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội lên kế hoạch, khảo sát cụ thể hoàn cảnh của từng gia đình, qua đó vận động và phân công các đơn vị trên địa bàn giúp đỡ người nghèo trên nhiều phương diện khác nhau.

Đối với các hộ nghèo thuộc diện già yếu, neo đơn, mất sức, huyện đã vận động các trường học trên địa bàn nhận phụng dưỡng, trợ cấp hàng tháng với số tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; đối với những hộ nghèo thuộc diện chính sách, gặp khó khăn về nhà, đất ở, huyện đã triển khai lập thủ tục giảm tiền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà tình nghĩa. Ngoài ra, con em của các hộ nghèo sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cũng đã được huyện bố trí công ăn việc làm phù hợp, tạo sự ổn định cho cuộc sống và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Vũ Bá Tiến - Phó trưởng Phòng Kiểm tra Kiểm toán nội bộ của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong những năm gần đây, phần lớn nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã được người nghèo sử dụng một cách hiệu quả. Trên 90% các hộ được vay đã trả đúng thời hạn, có rất ít trường hợp nợ xấu hoặc không trả. Các hộ sau khi trả, đều được chúng tôi vận động, khuyến khích để vay tiếp, qua đó mở rộng quy mô sản xuất, có được nguồn thu nhập ổn định, từ đó thoát nghèo nhanh”.

Ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, phần lớn các hộ nghèo đều nằm trong phạm vi của những cặp vợ chồng trẻ, mới lập gia đình và tách hộ. Chính những đồng vốn được hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã giúp họ có cơ sở từ đó vươn lên thoát nghèo. Gần như toàn bộ số hỗ trợ theo Chương trình 30a và vay trong 2 đợt từ NHCSXH, đều đã được cặp vợ chồng trẻ Ma Duynh - K’Branh dành cho việc mua giống cà phê, phân bón và canh tác thêm rau thương phẩm. Trong ngôi nhà gỗ mới (từ Chương trình 134, cộng thêm tiền dành dụm) xinh xắn của gia đình nhỏ này, dẫu chưa có nhiều vật dụng đáng kể, nhưng cảm giác về cái đói nghèo đã gần như không còn hiển hiện.

Towing Prong Ya Long Thom ở thôn Tơ KRiang, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng chia sẻ: “Trước đây, mình có đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, mỗi tháng thu nhập được hơn 5 triệu đồng, ăn uống chi tiêu không đủ, khi về còn thiếu nợ. Về nước lập gia đình, tách hộ, có con lại càng thêm vất vả. Được Nhà nước quan tâm, cấp cho cây giống cà phê, được hỗ trợ phân bón theo Chương trình 30a và được vay tiền không tính lãi của NHCSXH để đầu tư thêm, vừa qua vườn cà phê cũng đã cho thu hoạch. Lứa đầu, hái bói, chưa nhiều nhưng cũng đủ để trang trải một ít cho cuộc sống và trả một phần nợ”.

Mua bò, mua phân, mua giống cây, mua máy móc vật tư nông nghiệp… để phục vụ sản xuất, đó là cách làm của rất nhiều hộ nghèo không chỉ ở xã P’Róh, huyện Đơn Dương hay Tà Hine, huyện Đức Trọng. Chính họ cũng đã biết, sử dụng những đồng vốn vay, sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án để tạo cho mình những chiếc “cần câu” bền chắc, lâu dài trong việc thoát nghèo.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác