Kênh dẫn vốn uy tín và hiệu quả

19/08/2013
(VBSP News) Đến nay, Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh nghèo. Với khoảng gần 1,3 triệu dân, trên 85% dân số Hà Tĩnh là nông dân, lao động ở khu vực nông nghiệp, chiếm trên 71% tổng số lao động. Thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất là bài toán nan giải với tỉnh. Đồng hành cùng nông dân vượt khó, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh mấy năm nay luôn giành "ngôi vị quán quân" kênh dẫn vốn ủy thác của NHCSXH.
Ông Bùi Quế - người "bỏ làng" lên rừng lập nghiệp

Ông Bùi Quế - người “bỏ làng” lên rừng lập nghiệp

Theo số liệu của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 30/6/2013, hội quản lý 1.580 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 55.368 hội viên vay vốn với dư nợ 1.180,847 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2013 là 21,658 tỷ đồng; những huyện có dư nợ cao như: Đức Thọ 182,639 tỷ đồng, Kỳ Anh 146,297 tỷ đồng, Hương Sơn 142,403 tỷ đồng. Khách hàng của Hội Nông dân có tỷ lệ nợ quá hạn bình quân là 0,22%, nhiều huyện có tỷ lệ nợ quá hạn thấp, như: Kỳ Anh (0,08%), Cẩm Xuyên (0,14%), Nghi Xuân (0,123%)… Cũng như các tỉnh khác, Hà Tĩnh có 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; trong đó: Hội Nông dân giành “ngôi vị quán quân” với dư nợ cho vay chiếm gần 39% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH; tiếp đến là Hội Phụ nữ (34%); Hội Cựu chiến binh (gần 16%), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (11,3%).
Ông Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2013, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi cho hội viên, nhất là Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, tiếp tục tư vấn hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, hợp lý và hiệu quả… Ban Thường vụ tỉnh hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tăng cường công tác kiểm tra giám sát cơ sở, theo dõi và xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực trong quản lý nguồn vốn và hiện tượng xâm tiêu, vay ké; hoàn thành tốt các công đoạn do NHCSXH ủy thác. Hội phối hợp với NHCSXH tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ; phối hợp với Trung tâm khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; mở các lớp dạy nghề cho nông dân. Nhờ đó, vốn vay đến đúng đối tượng, đa số hội viên trả gốc, trả lãi đúng quy định. Rất nhiều hộ nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Trước đây, gia đình anh Phan Văn Tuất ở xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, chủ yếu sống bằng nghề chài lưới trên sông Ngàn Phố. Nhưng nghề sông nước lắm rủi ro, nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt, gia đình anh chật vật mới đủ ăn. Trong khi đó, quê anh có nghề nuôi hươu truyền thống và trồng cây ăn quả, nhờ đó mà nhiều hộ khá giả. Anh biết vậy, nhưng “lực bất tòng tâm”! Từ năm 2009, NHCSXH có chủ trương cho dân vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm để chăn nuôi, phát triển ngành nghề. Không bỏ lỡ cơ hội, anh tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân và được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng. Có vốn, anh xây dựng chuồng trại, mua hươu giống về nuôi, đến nay lên tới hơn 20 con. “Mùa lộc” năm ngoái thu được 20kg nhung hươu với giá bình quân 12 triệu đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi 50 triệu đồng. Ngoài nuôi hươu lấy nhung, anh còn cung cấp hươu giống cho nhiều nơi. “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát nghèo”, anh Tuất khẳng định.
Năm 2007, ông Bùi Quế ở xã Thượng Lộc, được Hội Nông dân huyện Can Lộc cho đi tham quan mô hình nuôi lợn rừng ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và Tây Ninh. Về nhà, ông bàn với vợ vào rừng lập trang trại nuôi lợn rừng và trồng cây ăn quả. Sau gần một năm xây dựng cơ sở, cuối năm 2008, ông trở lại Củ Chi mua 1 cặp lợn rừng giống với giá 50 triệu đồng về nuôi. Được Hội Nông dân hướng dẫn, ông làm hồ sơ vay NHCSXH 20 triệu đồng, cộng với 100 triệu đồng vay mượn từ anh em, đầu tư làm chuồng trại, hàng rào bao quanh vườn. Thích nghi với môi trường và được nuôi đúng cách, đàn lợn rừng của ông sinh trưởng nhanh, hiện có tới 35 con, trong đó có 8 con lợn nái. Cùng với con giống, ông cung cấp cả lợn rừng thương phẩm cho thị trường, thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm. Trang trại rộng 4ha, ngoài lợn rừng, ông trồng 700 gốc cam, năm 2012 ông thu hơn 5 tấn quả với doanh thu hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn đào ao, thả cá và nuôi 8 con bò.
“Sau 6 năm lên rừng lập nghiệp, giờ trang trai thu bình quân 150 - 180 triệu đồng/năm. Ông là điển hình của nông dân vượt khó, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả”, Chủ tịch Hội Nông dân Can Lộc nói về ông Bùi Quế.

Bài và ảnh Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác