“Chìa khóa” thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

14/08/2013
(VBSP News) Là vùng kinh tế mới ở cực Nam Tây Nguyên, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 22,44% tổng dân số tại địa phương. Theo thống kê mới đây của UBND huyện Lâm Hà, tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22,01%. Đây được coi là “rốn nghèo”, nơi tập trung nhiều người nghèo nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Từ đồng vốn tín dụng 0%, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện chăm sóc cây trồng

Từ đồng vốn tín dụng 0%, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện chăm sóc cây trồng

Từ lâu, việc giảm nghèo luôn là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, được thực hiện đồng thời cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quyết định 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được xem là một chính sách hợp lòng dân, đáp ứng được sự mong đợi của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, hiện đang thiếu đất sản xuất, vốn sản xuất. Và, với mức cho vay 5 triệu đồng/hộ, thời hạn vay là 5 năm, lãi suất bằng 0% là những ưu đãi mà Đảng, Nhà nước dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong cả nước nói chung và huyện Lâm Hà nói riêng.

Năm 2007, Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, đến nay đã có 282 hộ động bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở Lâm Hà được vay vốn với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, với lãi suất 0%, mức vay 5 triệu đồng/hộ, thời hạn 5 năm. Gia đình bà K’Séo, thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà được xếp vào “danh bạ” các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Hà được hưởng những chính sách ưu đãi từ Quyết định 32 của Chính Phủ. Với nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào 4 sào cà phê không thể giúp 5 khẩu trong gia đình bà K’Séo trang trải sinh hoạt thường nhật. Mặc dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vậy mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám gia đình bà mãi. Bà K’Séo cho biết: “Trước đây không có tiền, việc chăm sóc cà phê mình phó mặc cho ông trời. Cuối vụ thu hoạch được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Từ năm 2007, gia đình mình được NHCSXH huyện Lâm Hà cho vay 5 triệu đồng, không tính lãi nên đã có tiền để mua phân, mua dầu để chăm bón, tưới tiêu nên cây cà phê cũng cho trái nhiều hơn. Hiện đã đến thời hạn trả nợ, nhưng do còn khó khăn nên gia đình mình cũng chưa có tiền để trả cho ngân hàng. Mình mong rằng, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số biệt khó khăn với mức tiền cao hơn, đồng thời có phương án hỗ trợ đất sản xuất để bà con mình có điều kiện đầu tư sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống”.

Theo báo cáo của NHCSXH huyện Lâm Hà, thực hiện Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua các Ttiết kiệm và vay vốn từ cơ sở, trong 5 năm qua, đơn vị đã tiến hành giải ngân 1,4 tỷ đồng cho 282 hộ được vay đạt 100% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, đến nay khi kỳ hạn cho vay kết thúc, nhưng qua thống kê hiện tại con số dư nợ hiện còn hơn 1,395 tỷ đồng, đồng nghĩa là mới chỉ có 1 hộ trả nợ, còn lại 281 hộ được vay chưa có điều kiện để trả cho ngân hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Vũ Ất - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lâm Hà cho biết: “Qua khảo sát sơ bộ của địa phương cho thấy, đồng vốn tín dụng 0% trong 5 năm qua ở Lâm Hà chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa thực sự là động lực thoát nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi đồng vốn của NHCSXH cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại địa phương còn thấp, vì vậy sau khi tổng kết Quyết định 32 giai đoạn I, Chính phủ cần nâng mức cho vay cao hơn, tạo thêm vốn cho người nghèo có điều kiện sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Ngoài việc các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn, không tính lãi, các Ban ngành chức năng cần có phương án hỗ trợ người dân về đất sản xuất, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị sản xuất để bà con sớm vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Có thể nói, việc cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là một chính sách hợp lòng dân, đáp ứng được sự mong đợi của các hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định 32 của Chính phủ vẫn còn một số hạn chế, bất cập, bởi nguồn vốn cho vay bình quân mỗi hộ còn thấp, chưa thực sự tác động mạnh mẽ đến việc thoát nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lâm Hà. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với mức tiền cao hơn… tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đầu tư sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi, sớm vươn lên thoát nghèo.

Hồng Hải

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác