Tạo đà cho thanh niên vượt khó làm giàu

12/08/2013
(VBSP News) Ngay từ ngày đầu thực hiện chương trình liên tịch giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và NHCSXH về việc ủy thác cho hộ thanh niên vay vốn, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã tạo đà cho sức trẻ vươn lên làm kinh tế. Từ nguồn vốn này, không ít thanh niên thoát nghèo, làm giàu, trở thành những điển hình tiên tiến trên mặt trận kinh tế.
Anh Hà Văn Hoài ở thôn Kéo phát triển mô hình trang trại chăn nuôi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Anh Hà Văn Hoài ở thôn Kéo phát triển mô hình trang trại chăn nuôi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Sự hợp tác hiệu quả
Nói về hiệu quả thiết thực từ đồng vốn vay ưu đãi, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Tiến vui vẻ nói: “Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chủ động phối hợp với NHCSXH huyện, thị, thành phố, cấp ủy tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn còn chủ động làm tốt công tác phối hợp với NHCSXH, tiếp tục tăng nguồn vốn cho các hộ vay phát triển kinh tế, thoát nghèo, giữ mối liên hệ mật thiết, sâu sát với cơ sở; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân, quản lý và sử dụng nguồn vốn; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện tốt các nội dung ủy thác đã ký với NHCSXH, qua đó uy tín của tổ chức Đoàn đối với cấp ủy chính quyền, NHCSXH và cả đoàn viên thanh niên ngày càng được nâng lên”.

Có thể nói, sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn Thanh niên và NHCSXH tỉnh Thanh Hóa trong quá trình triển khai và quản lý vốn vay đối với các hộ thanh niên đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, to lớn. Do vậy, nguồn vốn vay cho thanh niên phát triển sản xuất không ngừng tăng lên, từ 3 tỷ đồng (năm 2003) lên 476 tỷ đồng (6/2013), được triển khai ở 264/637 xã, phường thuộc 27 huyện, thị, thành Đoàn với 24.690 hộ vay vốn, 776 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo là 182 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 112 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 2,258 tỷ đồng; cho vay HSSV 110,68 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 0,909 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 27,241 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở thuộc chương trình 167 là 20,713 tỷ đồng; cho vay đồng bào dân tộc thiểu số 1,87 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ gia đình thanh niên đã tổ chức sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hơn 32 nghìn lao động địa phương. Nhiều đơn vị thực hiện tốt và đạt dư nợ cao như: Nga Sơn, Ngọc Lặc, Yên Định, Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Thạch Thành.

Mở rộng mô hình kinh tế

Nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà nhiều thanh niên các vùng khó khăn, thuộc đối tượng hộ nghèo đã vươn lên, có cuộc sống ổn định, tạo đà thuận lợi cho việc lập thân, lập nghiệp. Cũng từ đây, phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi ngày càng phát triển, khơi lên sức trẻ sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có tại địa phương, cùng chính quyền thực hiện thắng lợi chương trình xóa nghèo, giữ vững ổn định chính trị, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 32 nghìn thanh niên có mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 500 trang trại trẻ do thanh niên làm chủ, giải quyết việc làm cho hơn 90 nghìn lao động; hơn 2.500 thanh niên phát triển kinh tế VAC có thu nhập từ 50 - 500 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như trang trại của gia đình anh Lê Văn Vĩnh ở xã Tế Thắng (Nông Cống), với 1,5ha chăn nuôi lợn, cá, vịt, ếch…, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng; trang trại của anh Lê Thiên Lâm xã Quảng Tân (Quảng Xương) chuyên sản xuất cá lóc, cá rô…, ngoài thu nhập hàng tỷ đồng/năm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương ổn định trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi tiếp cận vốn vay từ NHCSXH, Hà Văn Hoàn ở thôn Kéo, xã Đền Trung, huyện Bá Thước đi học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế. Ban đầu anh chỉ nuôi đàn dê 5 - 7 con nhưng nay anh đã phát triển thành trang trại tổng hợp nuôi dê, nhím, dúi…, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hoàn tâm sự: “Từ chương trình cho hộ thanh niên nghèo vay vốn của NHCSXH, gia đình tôi có cơ hội đổi đời. Đồng vốn này đã tạo niềm tin, giúp tôi phấn đấu vươn lên, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Cần sự hợp tác đa ngành

Để chương trình phối hợp giữa Đoàn Thanh niên và NHCSXH đạt kết quả cao, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và chính quyền địa phương, tạo điều kiện để hộ thanh niên vay vốn xóa nghèo, phát triển sản xuất thuận lợi và đúng đối tượng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ tỉnh Đoàn sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình kinh tế mới để thanh niên phát huy hiệu quả đồng vốn. NHCSXH tỉnh cần tăng nguồn vốn cho vay để thanh niên có nhiều cơ hội hơn trong phát triển kinh tế, cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tân Thành

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác