Hương Bình xóa nghèo từ cao su, rừng

12/08/2013
(VBSP News) Sự lao động cần cù của người dân và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH, 10 năm qua cây cao su tiểu điền đã "cắm rễ" trên vùng đất trắng gò đồi Hương Bình, TX. Hương Trà (Thừa Thiên Huế), đã mang lại đời sống ấm no cho hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Người dân Hương Bình với rừng cao su

Người dân Hương Bình với rừng cao su

Để có những cánh rừng cao su xanh ngát, trải rộng như hôm nay, nói như ông Bí thư Đảng uỷ xã Hương Bình Phan Hữu Tuế, là bao giọt mồ hôi của những người dân từ miền xuôi lên khai hoang, xây dựng kinh tế mới, cùng với hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án xóa nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi - dân tộc. Trong đó, phải kể đến vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH cùng vào cuộc.

Ông Tuế cho biết: “Rừng và cây cao su được trồng ở Hương Bình từ trước năm 2000 khi Nhà nước có chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nhưng kể từ khi NHCSXH triển khai đồng loạt các chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, thực hiện dự án phát triển lâm nghiệp, trồng rừng do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ…, lãnh đạo xã Hương Bình đã lựa chọn cây cao su và cây nguyên liệu giấy như keo, tràm, thông… làm chủ lực để các hộ dân sử dụng vốn vay ưu đãi và đưa tiến bộ kỹ thuật vào phát triển rừng”.

Riêng về cây cao su tiểu điền, ban đầu chỉ có 10 - 15 hộ tham gia bởi cái thời mới lên lập nghiệp quá nghèo khó, thiếu vốn trầm trọng, rau khoai ăn cọng vàng, còn cọng xanh để dành lại. Cây cao su, phải trồng 6 - 7 năm mới cho khai thác, vậy trong thời gian đó bà con phải ăn cái gì để sống?

Cán bộ cũng trăn trở cùng người dân, không có cách nào khác là muốn dân làm thì cán bộ phải làm trước. Vậy là một số cán bộ chủ chốt trong thôn, hội viên của các tổ chức hội, đoàn thể vay vốn chính sách cùng số tiền tích cóp của gia đình đầu tư mua cây giống, khai phá hơn 20ha đất gò đồi, ươm những mầm cao su đầu tiên.

Ông Tuế cho biết thêm “Điều may mắn là cây cao su rất thích nghi với đất đai xã Hương Bình nên phát triển khá nhanh, không sâu bệnh. Thấy vậy, nhiều bà con đã chịu sử dụng vốn vay ưu đãi khai hoang, đưa giống cây mới vào trồng”.

Tính đến nay, 650 hộ dân xã Hương Bình được vay vốn trên 7 tỷ đồng để trồng cây cao su tiểu điền. 1.228ha cao su được phân bổ khắp 7 thôn trong toàn xã, trong đó có khoảng 800ha đã đưa vào khai thác, mang lại thu nhập bình quân 60 - 70 triệu đồng/ha.

Thôn Hương Sơn là một trong những vùng đất đi đầu trong sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển rừng cao su. Cả thôn hiện có 150ha cao su của 73 hộ trong đó đã có hơn 60% diện tích được khai thác mủ. Hầu hết các hộ dân được vay từ 20 - 30ha; hộ trồng nhiều thì từ 10 - 15ha. Điển hình có CCB Lê Đức Quỹ đã dồn hết số tiền tiết kiệm của gia đình cùng 50 triệu đồng vay theo dự án trồng rừng từ NHCSXH tỉnh để trồng rừng và cao su theo mô hình trang trại. Sau 7 năm cần cù lao động, gia đình ông được đền đáp xứng đáng bằng 10ha cao su và 12ha rừng tràm, thông đỏ xanh tốt. “Năm 2012, nhờ thu nhập từ trang trại hơn 280 triệu đồng, tôi đã trả hết nợ vay ngân hàng, còn lại tiếp tục đầu tư mở rộng, thâm canh vườn cao su. Dự kiến thu nhập năm nay sẽ khá hơn, gấp 2 lần so với năm trước” - ông Quỹ nói:

Ngay như gia đình ông Nguyễn Quốc Trung - Trưởng thôn Hương Sơn cũng có 7ha cao su, trong đó có 4ha đã cho khai thác mủ. Ông Trung khẳng định: “Với giá mủ cao su đông hiện nay là 20 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi ngày trừ công cán, gia đình tôi thu chừng 1,6 - 1,8 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ở Hương Bình có ngày thu vài triệu đồng là chuyện thường”.

Nói về hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi trong việc cho vay phát triển cây cao su thành cây kinh tế chủ lực, ông Phan Hữu Tuế - Bí thư Đảng uỷ xã Hương Bình đánh giá: “Thời gian qua, thu nhập từ cây cao su đã giúp địa phương giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội, tăng thu nhập đáng kể cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm, xóa nghèo, góp phần đưa Hương Bình trở thành địa phương thành công với thế mạnh kinh tế vùng gò đồi. Thời gian tới, địa phương tiếp tục động viên bà con phát triển thêm diện tích cây cao su lên 3 nghìn ha/7 nghìn ha diện tích tự nhiên của toàn xã.

Hoàng Tùng Lâm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác