Đổi thay ở Bản Bo

06/08/2013
(VBSP News) Bản Bo giờ đã khác xưa nhiều lắm - ông Nông Văn Thanh - Chủ tịch Hội CCB xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu) nói. Những đồng vốn chính sách đã đi vào đời sống người dân nơi đây tự nhiên như dòng nước suối làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng xa này. Bản Bo đổi thay đang góp phần đưa Lai Châu phát triển.
Mô hình nuôi ong của hội viên CCB tỉnh Lai Châu

Mô hình nuôi ong của hội viên CCB tỉnh Lai Châu

Không còn hội viên nghèo

Xã Bản Bo có nhiều dân tộc cùng chung sống, gồm Kinh, Thái, Mông, Lào, Dao, Giấy, Kháng Xá… Ông Nông Văn Thanh - Chủ tịch Hội CCB xã Bản Bo cho biết, Hội CCB xã có 101 hội viên, 13 chi hội ở thôn, bản. Sau 10 năm nhận thực hiện ủy thác với NHCSXH, đến nay số dư nợ trong 8 chương trình tín dụng mà hội đảm nhiệm là gần 7 tỷ đồng, gồm có chương trình vay vốn hộ nghèo, HSSV, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Những đồng vốn nhỏ đã đi vào đời sống hiệu quả, số hộ hội viên CCB nghèo giảm mỗi năm 2,5%, đến nay toàn xã không còn hộ hội viên CCB nghèo, chất lượng hội viên từng bước được nâng lên, số hộ khá giàu đạt 71%, hộ trung bình 29%, không còn hộ nghèo.

Dù những năm qua đời sống đã có nhiều đổi thay nhưng Lai Châu vẫn là một tỉnh nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì thế, khi thực hiện nhận ủy thác các chương trình tín dụng chính sách với NHCSXH, Hội CCB đã nhanh chóng kiện toàn đội ngũ cán bộ hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn mà Hội CCB quản lý. Đồng thời, vận động những gia đình hội viên đã được vay vốn nhanh chóng đầu tư vào sản xuất, làm kinh tế vườn đồi, ruộng nương, ao, chuồng, làm trang trại, phát triển kinh doanh hàng hóa.

Phương châm “3 đúng”

Từ những đồng vốn được vay, các gia đình hội viên dân tộc thiểu số đã khôi phục các nghề truyền thống như làm chăn đệm, dệt thổ cẩm, chăn nuôi tằm, trồng bông, đan lát hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu tre trúc, song mây xuất khẩu đi các nước. Nhiều gia đình CCB đã vay vốn, tập trung kinh doanh, dịch vụ mở xưởng cơ khí sửa chữa, vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi trâu, bò, dê, cá. Đặc biệt, vốn vay NHCSXH đã mua được hơn 4.700 con trâu bò, nâng tổng số đàn hiện có và hàng năm sinh sản lên hơn 13.200 con, luôn là sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường. Ngoài diện tích thảo qủa lên tới gần 300ha mang lại hiệu quả kinh tế cao, toàn Hội CCB Lai Châu còn có 45ha cây cao su sắp đến kỳ thu hoạch được trồng ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè.

10 năm qua, nhiều hộ hội viên CCB nghèo cũng đã được vay vốn, đầu tư cho kinh tế trang trại, tập trung chủ yếu trang trại rừng đồi có diện tích từ 10 - 20ha trở lên, trong đó đã đầu tư cho 179 trang trại mới, mỗi năm một trang trại, bình quân thu từ 15 - 20 triệu đồng trở lên. Trong khoảng 10 năm qua, các trang trại này thu được trên 20 tỷ đồng từ trâu, bò, dê, cây ăn quả, rau sạch, lợn gà, tôm, cá, thảo quả…, giải quyết việc làm cho gần 1.300 lao động.

“Là tổ chức hội nhận ủy thác của NHCSXH, Hội CCB tỉnh Lai Châu xác định phải thường xuyên quan hệ nghiệp vụ với NHCSXH, đoàn kết, giải quyết tốt các yêu cầu về chính sách, thực hiện tốt các quy định và nguyên tắc ủy thác để đạt kết quả tốt - ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lai Châu cho biết: Đồng thời, chúng tôi thực hiện 3 đúng: xét vay vốn đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện đúng các thủ tục, nguyên tắc về thời gian nộp lãi và luân chuyển vốn vay”.

Lê Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác