Điểm tựa tín dụng cho hộ nghèo

06/08/2013
(VBSP News) Vốn vay đã giúp bà con nông dân chủ động nguồn tài chính để mua sắm công cụ, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt do đó đã phòng ngừa và hạn chế được cho vay nặng lãi, bán lúa non tồn tại trong nông thôn và thiết thực hơn là giúp bà con xóa nghèo.
Nhờ được vay vốn của NHCSXH để cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, gia đình anh Thẩm Bá Tiến, khu 9, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã thoát nghèo bền vững

Nhờ được vay vốn của NHCSXH để cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, gia đình anh Thẩm Bá Tiến, khu 9, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã thoát nghèo bền vững

Nhờ có chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được trợ giúp một phần chi phí sản xuất kinh doanh từ đó góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm giúp người dân cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước làm quen dần với sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường. Với lãi suất cho vay ưu đãi, hàng năm người nghèo và các đối tượng chính sách khác được hưởng lợi trực tiếp lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ đồng thời đã giải quyết được các vấn đề bức xúc trong nhân dân như nhà ở, việc làm, môi trường và nước sạch, học tập… thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể tham gia dịch vụ ủy thác từng phần đã tạo nên phong trào thi đua làm tốt, phát triển thêm hội viên, gắn kết hoạt động của hội với công tác xóa nghèo ở địa phương. Những năm qua, NHCSXH tỉnh Phú Thọ thực sự trở thành điểm tựa vững chắc của nhiều hộ nghèo trong tỉnh, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Trước khi được tiếp cận với nguồn vay vốn vay ưu đãi tại NHCSXH, ông Phùng Ngọc Thêm dân tộc Mường ở khu 3 Quảng Đông, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập là một nông dân nghèo thuần nông. Gia đình có 6 khẩu trong đó có 4 lao động chính, canh tác trên mảnh ruộng ông cha để lại song do thiếu kiến thức sản xuất, thiếu vốn nên dù có chăm chỉ vẫn thiếu ăn. Năm 2009 được biết đến chương trình vay vốn ưu đãi qua sự giới thiệu của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ Hội Nông dân xã và cán bộ nghiệp vụ của NHCSXH huyện đúng lúc ông đang có nhu cầu vay vốn cải tạo 2,5ha mặt nước để chăn nuôi cá, vịt, ngan thương phẩm. Sau khi làm đơn tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn và được Ban quản lý tổ, Hội Nông dân xã, cán bộ nghiệp vụ ngân hàng tư vấn hướng dẫn cách tiếp cận nguồn vốn đầy đủ và được vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn vay thuộc chương trình cho vay hộ nghèo, cộng thêm với vốn do anh em họ hàng, vốn gia đình tích cóp, gia đình ông Thêm đã cải tạo thành công 2,5ha mặt nước đủ điều kiện để nuôi. Từ một gia đình nghèo không có nguồn tài chính tích lũy, gia đình ông đã có thu nhập. Đến nay, gia đình ông đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Ông Thêm tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, không biết gia đình tôi bao giờ mới có được cuộc sống như hôm nay”.

Xây dựng gia đình và ra ở riêng từ năm 1991, gia đình anh Triệu Thế Thắng ở khu 8 xã Hy Cương (TP. Việt Trì) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bởi một trong ba con của anh bị thiểu năng trí tuệ ngay từ khi mới sinh. Là hộ nông nghiệp thuần túy song ruộng đất lại bị thu hồi khiến gia đình anh đã nghèo lại càng nghèo hơn. Năm 2004, anh làm đơn đề nghị khu dân cư, UBND xã cùng NHCSXH tỉnh cho gia đình được vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo với số tiền 20 triệu đồng. Với số vốn này, gia đình anh đã mua 2 con bò giống, 5 con lợn bột. Từ tiền chăn nuôi và làm thêm, năm 2012 gia đình anh chị đã xây được một ngôi nhà cấp 4 và mua sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, kinh tế dần dần ổn định, tiền vay ngân hàng gia đình anh đã trả đúng theo hợp đồng. Đầu năm 2013, một lần nữa gia đình anh lại được vay 8 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng công trình vệ sinh, bồn nước giếng khoan. Anh Thắng cho biết: Nhờ có hai nguồn vốn trên nên gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện giờ cuộc sống của gia đình đã có của ăn của để, tất cả là nhờ được vay vốn từ NHCSXH.

Là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn với 48 thành viên đang có dư nợ 736,2 triệu đồng tại NHCSXH huyện Thanh Sơn, ông Nguyễn Công Tuấn, xóm Múc Trới, xã Địch Quả cho biết: “Từ khi có các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp họ có cơ hội thoát nghèo. NHCSXH thật sự là điểm tựa tín dụng giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Lê Thương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác