Hội CCB tỉnh Quảng Nam làm tốt công tác ủy thác
Tuy được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH sau các hội, đoàn thể khác nhưng tốc độ tăng trưởng thông qua Hội CCB tỉnh Quảng Nam nhận uỷ thác vẫn tăng nhanh như biểu đồ tiến thẳng về phía trước. Cụ thể thể năm 2003, toàn hội mới vay vốn ưu đãi có 258 triệu đồng/236 hộ vay của một chương trình; đến hết tháng 6/2013, tổng dư nợ đã lên tới 371 tỷ đồng với 19.598 hộ vay của 9 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó: số tiền nhận uỷ thác cho vay hộ nghèo liên tục dẫn đầu với 141 tỷ đồng, kế đến là chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ chỗ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong thời gian đầu, nay đã tăng lên đứng ở hàng thứ 2 (115,5 tỷ đồng), do có sự tác động lớn từ Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng HSSV; theo đà, chương trình nhận uỷ thác để cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được xếp vào vị trí thứ 3 là 33,5 tỷ đồng; rồi đến chương trình nước sạch và vệ sinh mội trường nông thôn và chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở… Đặc biệt 10 năm qua các cấp Hội CCB từ tỉnh đến cơ sở tiến hành phân công những cán bộ nhiệt tình, có năng lực đảm bảo sức khoẻ chuyên trách theo dõi hoạt động nguồn vốn vay uỷ thác và đã thành lập, kiện toàn sắp xếp được mạng lưới 609 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động theo địa bàn, không khép kín trong khuôn khổ của hội như trước đây nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi của Hội CCB.
Ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Nam cho biết: “Vào thời điểm năm 2003, dải đất miền Trung Quảng Nam có gần 30 nghìn hội viên CCB nhưng tỷ lệ nghèo đói chiếm 30,2%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thiếu vốn, thiếu kiến thức. Trước thực tế đó, các cấp Hội CCB đã động viên hội viên phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, thông qua các chương trình, dự án, nhất là từ khi có chủ trương của Chính phủ tại Nghị định số 78/2002 và việc NHCSXH áp dụng phương thức uỷ thác cho vay qua các hội, đoàn thể, Hội CCB các cấp ở Quảng Nam đã hăng hái, tự nguyện tham gia cuộc chiến chống đói nghèo, mà trực tiếp thông qua công tác uỷ thác để chuyển tải, quản lý nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến hàng vạn hộ nghèo, trong đó có nhiều hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giúp đỡ họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Ông Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Nam cũng cho biết thêm: Trong công tác uỷ thác vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội CCB còn tập trung góp sức vào việc tuyên truyền, bình xét cho vay giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi; tham gia giám sát việc thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu xóa nghèo. Đơn cử trong 10 năm qua, Hội CCB các cấp đã kiểm tra giám sát được 2.200 lượt ở cơ sở, 5 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn và 13.500 hộ vay vốn. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chính những trường hợp vay hộ, vay ké, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đạt kết quả thấp…
Thông qua nguồn vốn từ các kênh, nhất là nguốn vốn ưu đãi do Hội CCB trực tiếp nhận uỷ thác với NHCSXH đã được đông đảo hội viên CCB từ huyện vùng cao Tây Giang, Nam, Bắc Trà My đến vùng đồng bằng, ven biển Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An… đầu tư phát triển chăn nuôi khai thác thuỷ hải sản, thâm canh lúa nước, trồng và chăm sóc quản lý rừng; sản xuất được khối lượng hàng hoá nông sản, thực phẩm có giá trị. Nhiều hội viên nhờ chịu khó cần cù lao động, ham học hỏi lại được hỗ trợ kịp thời vốn vay ưu đãi nên đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Trên mọi làng quê ở tỉnh Quảng Nam nay đều xuất hiện những tấm gương tiên tiến trong việc động viên phong trào CCB sử dụng vốn vay ưu đãi, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Ở xã Ba thuộc huyện Đông Giang có ông: Phan Văn Chiến là 1 trong những hộ CCB - thương binh thoát nghèo điển hình. Xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, từ 20 triệu đồng vay của NHCSXH, ông Chiến đầu tư khai hoang đất đồi trọc trồng rừng nguyên liệu giấy, đến nay không chỉ trả hết nợ cho ngân hàng mà còn mở rộng sản xuất, sở hữu đàn bò 10 con, 3ha cây keo lá chàm, bạch đàn, 1,5ha cây ăn quả đặc sản, đạt mức thu nhập bình quân 60 triệu đồng/năm, giải quyết 10 lao động thời vụ tại địa phương.
Ông Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Nam còn khẳng định: “Hội còn thường xuyên phối hợp với NHCSXH hướng dẫn hội viên quản lý nguồn vốn uỷ thác, nhờ vậy mà vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao. 10 năm qua đã có hàng ngàn hộ CCB thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn NHCSXH”.
Bài và ảnh Hoàng Tùng Lâm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn cho khát vọng lớn
- » Đồng vốn chính sách giúp sinh hoạt hội hiệu quả hơn
- » Người khuyết tật thoát nghèo nhờ được vay vốn
- » Dự án nuôi lợn ở Điền Trung thu hút 871 hộ nghèo và cận nghèo
- » Những điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Hiệu quả từ ủy thác cho vay
- » Thêm vốn giúp nông dân vượt khó
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ninh Bình sơ kết 6 tháng đầu năm
- » Cùng nông dân làm giàu
- » Người biết cách thoát nghèo