Dự án nuôi lợn ở Điền Trung thu hút 871 hộ nghèo và cận nghèo

30/07/2013
(VBSP News) Tuy thuộc địa bàn vùng núi cao nhưng xã Điền Trung lại thuộc diện đất chật, người đông của huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Theo thống kê, xã có 7.218 nhân khẩu, mật độ trung bình 205 người/m2, trong khi đó bình quân đất ruộng chỉ có khoảng 290m2/người. Vì vậy, con đường thoát nghèo trong thời gian qua mà Lãnh đạo và đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Mường nơi đây lựa chọn là đã bám sát vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai có kết quả các dự án kinh tế phát triển vùng, trong đó có dự án chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại, với số vốn vay ưu đãi hơn 4 tỷ đồng kể từ năm 2010 đến nay.
Hộ nghèo Điền Trung (Bá Thước) luôn chăm sóc lợn mỗi khi nhìn thấy nó nhanh lớn

Hộ nghèo Điền Trung (Bá Thước) luôn chăm sóc lợn mỗi khi nhìn thấy nó nhanh lớn

Hiện tại, dự án chăn nuôi lợn đã thu hút 871 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả 12 thôn, bản thuộc xã Điền Trung tham gia, với mức vay 20 - 30 triệu đồng/hộ, để mỗi năm sản xuất và xuất bán hơn 900 tấn lợn thịt và hàng vạn con lợn giống. Ví như ở thôn Trúc Lâm, bà con dân tộc Mường xây dựng được đủ loại hình trang trại chăn nuôi bao gồm: 8 hộ nuôi tập trung trong 25 con lợn nái hoặc 100 - 120 con lợn thịt; mô hình nuôi từ 10 - 15 con lợn thịt/lứa có 68 hộ và số gia đình nuôi lợn thịt từ 3 - 5 con/lứa thì tính ra cũng có gần 70 hộ nhờ vốn vay ưu đãi hỗ trợ, phong trào chăn nuôi lợn theo dự án ở Điền Trung phát triển chiếm tới 2/5 tổng thu nhập từ sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ giàu rõ rệt.

Nhằm giúp cho dự án chăn nuôi đạt kết quả cao, các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… đã tích cực vận động hội viên sử dụng vốn vay từ NHCSXH lồng ghép với công tác phòng dịch bệnh vào xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tập trung cũng như di chuyển chuồng trại ra xa khu vực dân cư đến những gò đất cao hay ngoài cánh đồng để đảm bảo vệ sinh môi trường và tiện lợi cho sản xuất. Cùng với các ngành, NHCSXH huyện Bá Thước đã tăng nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm giúp các hộ dân lập trang trại có diện tích từ 1.000 - 1.200m2, đủ khả năng chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung, lâu dài theo thời gian thuê đất 20 năm. Cùng với đó chính quyền xã khuyến khích và làm thủ tục cho các hộ có nhu cầu hoán đổi ruộng vườn quanh khu vực trang trại chăn nuôi, tạo điều kiện cho các chủ trang trại tập trung lao động, đất đai, tiền vốn yên tâm mở rộng sản xuất.

Thời gian qua, ở Điền Trung đã có khá nhiều hộ nông dân sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi vào việc di chuyển địa điểm chuồng trại và thâm canh chăn nuôi lợn theo hướng mới. Anh Hà Văn Tĩnh ở thôn Trúc Lâm cho biết, năm 2010, gia đình anh đã xây mới 3 dãy chuồng lợn với số vốn đầu tư 80 triệu đồng, trong đó: hơn 1 nữa là vốn vay của NHCSXH để nuôi 20 con lợn nái và 80 con lợn thịt giữa khu đồi phía sau lưng nhà. Nếu trước đây gia đình anh do thiếu vốn phải chăn nuôi lợn ở chuồng trại nhỏ và nuôi thả rông nên không kiểm soát được dịch bệnh cho đàn lợn. Nay nhờ vốn ưu đãi tiếp sức, anh đã chủ động các khâu chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn lợn và còn sản xuất được nhiều con giống tốt. Năm 2012, trang trại của anh đã bán cho bà con thôn xóm 182 con lợn giống và 7 tấn lợn hơi loại 1, thu lãi gần 100 triệu đồng.

Cũng như anh Tĩnh, các gia đình chị Trương Thị Hoà, anh Hà Mịch, ông Triệu Văn Các ở xã Điền Trung cũng nhờ vốn NHCSXH làm “bà đỡ” mát tay trong quá trình tham gia dự án chăn nuôi lợn tập trung theo mô hình trang trại và chuyển đổi địa điểm chuồng trại từ vùng đất thấp lên gò đồi, nên đàn lợn mau lớn, tăng cân. Chị Trương Thị Hòa phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có thâm niên nuôi lợn chục năm nhưng chỉ nuôi tự nhiên nhỏ lẻ, từ khi di chuyển chuồng trại lên vùng đất cao ráo, được vay vốn ưu đãi thuận lợi, nên đã lập được trang trại lợn lên 50 con lợn thịt và lắp đặt hệ thống Biogas. Ngoài tăng thu nhập từ đàn lợn, gia đình tôi còn sử dụng khí đốt sinh học để nấu ăn, đun nấu, thắp sáng, hàng tháng tiết kiệm 300 - 400 nghìn đồng tiền điện, tiền than củi”.

Ông Tào Văn Lũng - Chủ tịch UBND xã Điền Trung nhận xét: “Chính sự hỗ trợ của NHCSXH đã tạo nên sự chủ động trong việc thực hiện các dự án kinh tế tiểu vùng, nhất là phát triển chăn nuôi lợn tập trung theo mô hình trang trại, mở ra hướng xoá nghèo bền vững, làm giàu nhanh và bảo vệ môi trường ở nông thôn”.

Bài và ảnh Lê Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác