Người biết cách thoát nghèo

23/07/2013
(VBSP News) Từng thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đầu tư vào nuôi bò, trồng trọt…, gia đình ông Đặng Ngọc Anh ở thôn Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.
Ông Đặng Ngọc Anh đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Ông Đặng Ngọc Anh đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân xã An Dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Ngọc Anh ở thôn Bình Hòa. Người nông dân này cho chúng tôi cảm giác thân thiện ngay từ những câu chuyện đầu tiên. “Trước đây, tôi làm nghề thợ hồ nên nay đây mai đó, bôn ba kiếm tiền nuôi 7 miệng ăn trong gia đình. Làm lụng vất vả nhưng cứ thiếu trước hụt sau, tuổi tác cũng càng cao nên làm ăn xa không tiện. Nghĩ vậy, tôi về quê chuyên tâm làm nông”, ông Anh tâm sự. Thời gian đầu, gia đình ông Anh chỉ trồng lúa. “Trồng lúa đảm bảo có cái ăn nhưng cuộc sống rất chật vật, hễ đụng đến chuyện gì cần đến tiền là không biết kiếm đâu ra” - ông Anh chia sẻ. Những cái khó đó đã thôi thúc và hình thành trong ông Anh ý tưởng phá thế “độc canh”. Cuối cùng, ông quyết định “lập dự án” chăn nuôi bò sinh sản rồi làm đơn xin vay vốn NHCSXH.

Năm 2011, ông Đặng Ngọc Anh vay 20 triệu đồng mua một con bò cái và một con bò con về nuôi. “Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản nên ông gặp một số khó khăn. Vào mùa lạnh, bò mắc bệnh lở mồm long móng, ông phải chạy đôn chạy đáo tìm cách chữa trị. Rất may, bệnh của bò cũng được chữa khỏi và ông đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Theo ông Anh, người nuôi bò cần chú ý đến vấn đề chuồng trại, vệ sinh. Xây chuồng phải kín đáo, che chắn cẩn thận, đảm bảo “hè mát, đông ấm” sẽ hạn chế tối đa các loại bệnh trên gia súc. Để chăn nuôi hiệu quả, ông Anh thường xuyên tham gia các lớp học cách chăm sóc, chữa trị bệnh cho vật nuôi. Ngoài ra, ông còn trao đổi kinh nghiệm với những người chăn nuôi lâu năm; mỗi khi đàn bò có biểu hiện mắc bệnh, ông đều tìm hiểu cách điều trị cặn kẽ, kịp thời để có cách phòng tránh. Sau gần hai năm bỏ công chăm sóc, đến nay, gia đình ông Anh đang sở hữu 3 bò mẹ và 3 con bò con. “Cuối năm nay, gia đình tôi chỉ cần bán bớt một con bò là có thể trả dứt điểm khoản vay ngân hàng. Số bò còn lại tôi nuôi tiếp, xem như của để dành” - ông Anh cho biết.

Tuy chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao, nhưng theo ông Anh, thu nhập thường xuyên của gia đình nhà ông trong nhiều năm qua vẫn dựa vào trồng trọt. Gia đình ông có hơn 1ha ruộng lúa 2 vụ, sau mỗi mùa thu hoạch, ông trồng xen canh đậu xanh, bắp, mè. Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, chăm sóc cây trồng đúng quy trình nên các loại cây trồng đều cho năng suất cao. Cái lợi lớn nhất là ông có thể tận dụng phụ phẩm trồng trọt để làm thức ăn cho bò. Ngược lại, ông cũng dùng phân bò để bón ruộng, vừa giảm thiểu dùng phân hóa học, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Chỉ sau một thời gian chuyên tâm trồng trọt, chăn nuôi, gia đình ông Anh có thu nhập xấp xỉ 80 triệu đồng/năm.

Bà Cao Thị Lài - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dân cho biết: “Ông Anh rất tích cực tham gia các lớp khuyến nông, khuyến ngư do Hội Nông dân các cấp tổ chức; nhờ đó, mà ông có được kiến thức nhất định trong trồng trọt, chăn nuôi. Ông đã trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Không những làm kinh tế giỏi, thoát khỏi cảnh nghèo khó, ông Anh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, giúp vốn những hộ nghèo, gia đình chính sách cùng vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, ông Anh còn năng nổ trong công tác hội và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Gia đình ông luôn đi đầu trong các khoản đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, hộ ông Đặng Ngọc Anh được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.

Bài và ảnh Quốc Hùng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác