Đánh thức đất nghèo Én Luông

22/07/2013
(VBSP News) Ở huyện Than Uyên (Lai Châu) có một bản nằm khuất trong dải rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Then. Đó là bản Én Luông với trên 150 hộ và gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc gốc Tây Bắc như Thái, Mông, Dáy, đời sống trước đây còn quá thiếu thốn, lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 79% (tính đến thời điểm năm 2007). Cùng với đó, đồng bào nơi đây lại thiếu đất ruộng canh tác, thiếu vốn trầm trọng và không có cả kiến thức sản xuất, nên việc cả bản, cả nhà bị đói nghèo đeo bám là điều khó tránh khỏi.
Từ 200ha mía, bản Én Luông đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 79% năm 2007 xuống 21% năm 2012

Từ 200ha mía, bản Én Luông đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 79% năm 2007 xuống 21% năm 2012

Nhưng đó là chuyện của những năm về trước, còn ngày nay, nhờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể và cả hệ thống NHCSXH cùng vào cuộc nên đã làm thay đổi diện mạo vùng cao Én Luông.

Đã 10 năm qua, kể từ khi NHCSXH thành lập, phủ kín mạng lưới hoạt động trên cả nước, đồng vốn đã chảy về tận bản Én Luông, đánh thức đất nghèo, tiếp sức mạnh để đồng bào dân tộc định cư, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích cây trồng vật nuôi. Hiện toàn bản có 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 128 thành viên tham gia sinh hoạt, đã được vay hơn 2 tỷ đồng thuộc 6 chương trình tín dụng ưu đãi, bình quân 20 triệu đồng/hộ, tập trung vào việc phát triển kinh tế gia đình, trồng được hơn 200ha mía, chè sạch, 124ha lúa nước 2 vụ và ngô lai. Bên cạnh các chương trình tín dụng ưu đãi truyền thống, bà con trong bản còn được vay vốn theo Chương trình 30a để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và vốn theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ vào việc xoá nhà tranh tre dột nát, làm được 38 căn nhà mới, vững chắc để “an cư lạc nghiệp”. Còn đây nữa, dự án  trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với NHCSXH triển khai đã tạo điều kiện cho 111 hộ nghèo là đồng bào dân tộc nhận đất trồng cây nguyên liệu giấy và chủ động quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Trong số những hộ nhờ việc vay và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Than Uyên phải kể đến gia đình ông Sùng A Dế, người dân tộc Mông ở cuối bản Én Luông. Vốn là cán bộ Văn phòng UBND huyện nghỉ hưu, đồng lương hưu có hạn, vợ ốm yếu con cái đang tuổi học hành, nên nhà ông Sùng A Dế chủ yếu trông vào 2 sào đất lúa. Gia đình ông từng được biết đến là một trong những hộ nghèo của bản Én Luông, xã Mường Then. Ông cho biết: “Năm 2009, gia đình tôi được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng cùng với sự giúp sức của chính quyền, Hội Nông dân thôn bản và bà con, bè bạn, tôi đầu tư vào nuôi lợn sinh sản và trồng ngô lai trên đất đồi. Sau 1 thời gian chăn nuôi, trồng trọt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm tôi xuất bán hàng trăm con lợn giống và thu hoạch hơn 10 tấn ngô hạt bán cho nhà máy chế biến gia súc của tỉnh. Nhờ đó, mỗi năm tôi thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng (đã trừ chi phí). Cũng như ông Dế, nhà chị Vàng Thị Thào được vay 10 triệu đồng của chương trình ưu đãi hộ nghèo và 5 triệu đồng hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ 4 năm trước đây. Chị Thào chi sẻ: “Có tiền, tôi đầu tư khai hoang vỡ đất trồng thảo quả và nuôi gà thả vườn. Hiện, gia đình tôi có thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm rồi. Cuối năm nay, bán những thứ từ vườn và rừng, tôi đủ khả năng trả hết nợ cho ngân hàng và phấn đấu làm ăn khá giả hơn”.

Ở bản vùng cao Én Luông, mỗi hộ vay vốn tùy vào điều kiện của gia đình mà lựa chọn cách phát triển kinh tế riêng miễn sao đạt mục đích hợp lý, thu kết quả thiết thực. Từ một bản có tới 79% hộ nghèo vào năm 2007, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 21%, thu nhập bình quân đạt 8,2 triệu đồng/người/năm; 92% gia đình có nước sạch, điện lưới sinh hoạt và 100% trẻ em được cắp sách tới trường, trong đó có 19 em được vay vốn của Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ để về thành phố yên tâm học tập. Đánh giá về kết quả đạt được của bản Én Luông, ông Lò Văn Đương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Then khẳng định: “Do được các chương trình, dự án của Nhà nước, nhất là sự hỗ trợ của NHCSXH nên đời sống đồng bào dân tộc vùng cao đổi thay, nghèo đói được đẩy lùi”.

Ông Giám đốc NHCSXH huyện Than Uyên, Nguyễn Thọ Hưng cũng cho biết: “Vốn ưu đãi đến tay hộ nghèo đúng lúc đã giúp họ yên tâm sản xuất. Bản Én Luông được đánh giá là một bản có nhiều mô hình sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả đến kỳ hạn trả lãi và gốc đầy đủ. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi đây luôn cùng cán bộ ngân hàng theo dõi sát sao, hướng dẫn, động viên nhân dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi chúng tôi đang nhân rộng mô hình này ra toàn huyện”.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác