Những điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
Là gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn Trong, xã Đông Phú, anh Đỗ Toàn Năng là một điển hình trong việc vay và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của NHCSXH. Năm 2004, sau khi được vay 7 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH, anh Năng tập trung vào chăn nuôi và mở rộng đàn dê. Bằng sự cần cù của mình, năm 2007, anh Năng đã trả hết số tiền vay ngân hàng và thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng với nỗ lực và ý chí làm giàu, anh tiếp tục vay của NHCSXH huyện Lục Nam 20 triệu đồng đầu tư vào nuôi lợn thịt. Ngoài ra, anh còn bàn với vợ mạnh dạn thầu 50ha đất hồ để kết hợp thả cá.
Biết vận dụng nguồn vốn, cũng như luôn có ý thức học hỏi cách làm ăn mới, năm 2010, anh đã thu được kết quả tốt từ mô hình đầu tư của mình, toàn bộ số vốn vay, gia đình anh đã trả hết.
Hiện, trong trang trại nhà anh có 50 lợn mẹ sinh sản, gần 200 con lợn thịt, hàng năm xuất ra thị trường hơn 20 tấn thịt hơi. Bên cạnh đó, hai năm nay, anh đã chủ động thay đổi giống cá đang nuôi như: trắm, trôi, mè sang nuôi cá diêu hồng, loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Năng tâm sự: “Hàng năm, vợ chồng tôi bán ra thị trường 20 tấn lợn, hàng chục tấn cá diêu hồng, trừ chi phí còn hơn 200 triệu đồng. Để tận dụng mặt nước, mới đây tôi đầu tư nuôi thêm 2 nghìn con ngan thịt. Có được kết quả như hôm nay, vai trò của NHCSXH rất quan trọng, nguồn vốn của ngân hàng đã giúp tôi thoát nghèo, làm giàu”.
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Lục Nam, doanh số cho vay của đơn vị trong 10 năm qua đạt 625,132 tỷ đồng, 47.496 khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ 299,875 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2012 là 353,401 tỷ đồng, tăng 324,814 tỷ đồng so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng đạt 30,8%/năm; với 16.627 khách hàng đang dư nợ; mức cho vay bình quân 18,4 triệu đồng/khách hàng. |
Hộ chị Lý Thị Éng, ở thôn Trại Trầm, xã Tam Dị cũng là một điền hình như thế. Là một trong những hộ thuộc diện khó khăn, do vậy nhiều năm liền gia đình chị phải xếp vào danh sách hộ nghèo. Năm 1990, chị Éng sinh người con đầu rồi ra ở riêng, lúc này kinh tế gia đình chị càng thêm khó khăn.
Trước khó khăn này, gia đình chị đã được NHCSXH huyện Lục Nam tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi. Có vốn, chị Éng mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi gà đồi kết hợp với trồng dứa. Thời gian đầu, chị Éng áp dụng phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, hiện mỗi năm chị bán ra thị trường 3 lứa gà, mỗi lứa trung bình 1.500 con, thu về 80 triệu đồng/lứa. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình chị còn bán ra thị trường 2 vạn gốc dứa, thu về hơn 100 triệu đồng, trừ mọi chi phí, gia đình chị thu hơn 200 triệu đồng từ nuôi gà và trồng dứa. Chị Éng tâm sự: “Từ nuôi gà, trồng dứa mà gia đình đã thoát nghèo, mua được đất để mở rộng mô hình”.
Theo Lãnh đạo NHCSXH huyện Lục Nam, sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, riêng chương trình cho hộ nghèo vay sản xuất, kinh doanh, doanh số cho vay đã đạt 301,098 tỷ đồng, với 29.546 lượt hộ nghèo được vay, doanh số thu nợ 180,920 tỷ đồng, số hộ còn dư nợ 8.617 hộ. Dư nợ đến 31/12/2012 1à 146,064 tỷ đồng tăng 120,178 tỷ đồng so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng 19,4%/năm. Trong 10 năm qua, từ nguồn vốn của chương trình, đã có 21.038 hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống của các hộ vay vốn không ngừng được cải thiện.
Hoàng Văn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ ủy thác cho vay
- » Thêm vốn giúp nông dân vượt khó
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ninh Bình sơ kết 6 tháng đầu năm
- » Cùng nông dân làm giàu
- » Người biết cách thoát nghèo
- » Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú thọ làm tốt công tác ủy thác cho vay
- » Người thương binh giàu nghị lực
- » Đánh thức đất nghèo Én Luông
- » Vĩnh Long thực hiện hiệu quả tín dụng ưu đãi
- » Rời thành phố lên miền núi lập trang trại