Đồng vốn chính sách giúp sinh hoạt hội hiệu quả hơn

30/07/2013
(VBSP News) Ông Vũ Ngọc Luyện - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Gia Lai chia sẻ, 10 năm qua, đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình CCB trong tỉnh thoát nghèo, cải thiện đáng kể cuộc sống, hơn hết, giúp gắn bó các hội viên trong đoàn thể của mình.
Nhờ đồng vốn chính sách, nhiều hộ gia đình đã cải thiện hiệu quả đời sống kinh tế

Nhờ đồng vốn chính sách, nhiều hộ gia đình đã cải thiện hiệu quả đời sống kinh tế

Hội viên xóa được nghèo, vai trò của hội càng cao

Hội CCB tỉnh Gia Lai có hơn 30 nghìn hội viên, trong đó có tới 40% là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống của hàng ngàn gia đình CCB còn khó khăn, vất vả.

Góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và thực hiện chương trình quốc gia về xóa nghèo, 10 năm qua, Hội CCB tỉnh đã thực hiện có hiệu quả một chương trình liên tịch với NHCSXH để vay vốn ủy thác. Đến nay, tổng dư nợ vốn ủy thác là hơn 381 tỷ đồng, với gần 20 nghìn hộ dư nợ, thông qua 571 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân 19 triệu đồng/hộ, tạo thêm việc làm mới cho gần 8.500 lao động.

Tính đến hết tháng 6/2013, dư nợ quá hạn là 2,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,006% so với tổng dư nợ ủy thác. Nếu như năm 2004 tỷ lệ thu lãi đạt 75%, năm 2005 đạt 83% thì đến năm 2010, tỷ lệ thu lãi đạt 103%, năm 2011 đạt 102%, năm 2012 đạt 99%.

“Nếu năm 2003 chi có 2 chương trình cho vay là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm thì đến nay, NHCSXH tỉnh đã ủy thác cho Hội CCB tỉnh 9/11 chương trình tín dụng ưu đãi khác nhau - ông Vũ Ngọc Luyện cho biết - Hoạt động ủy thác đã được triển khai đến 17/17 huyện, thị xã, thành phố và đang thực hiện có hiệu quả. Thông qua hoạt động ủy thác cho vay, vai trò của hội trong việc thực hiện xóa nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương càng được khẳng định, giúp cho hoạt động của hội được tốt hơn, nội dung phong phú, thiết thực hơn”.

Kiện toàn hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn từ phong trào CCB gương mẫu. Ông Luyện kể cho chúng tôi: “Không phải ngay từ đầu mọi việc đã trôi chảy”, khi mới thực hiện có nhiều vướng mắc ngay từ nhận thức của cán bộ hội đến việc tổ chức thực hiện. Chẳng hạn như có ý kiến cho rằng nên thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn ít người, giữ như cũ để dễ quản lý, hay tâm lý ngại va chạm với thành viên của các hội, đoàn thể khác… dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ hội chán nản, xin không đảm nhiệm chức Tổ trưởng. “Quá trình thực hiện phong trào CCB gương mẫu, Hội CCB trong tỉnh đã đổi mới về nhận thức trách nhiệm. Hoạt động ủy thác đã được mở rộng, trách nhiệm của Tổ trưởng được đề cao, gắn bó hoạt động vay vốn của tổ với chính quyền và các đoàn thể - ông Luyện chia sẻ - Từ đó, công tác quản lý tổ viên trên địa bàn thuận tiện hơn. Cùng với Ban quản lý tổ, Tổ trưởng đã thường xuyên đôn đốc tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả gốc trả lãi đúng hạn; đồng thời, tuyên truyền vận động tổ viên tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm”. Đến ngày 30/6/2013, trong tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý, có 456 tổ loại khá tốt (tỷ lệ 80%), 108 tổ xếp loại trung bình (19%), 6 tổ yếu kém (1%).

Giờ đây, khi hoạt động tín dụng chính sách đã đi vào “khuôn khổ”, điều những người cán bộ Hội CCB tỉnh Gia Lai đau đáu là tỷ lệ hộ hội viên nghèo của Hội CCB tỉnh còn khá cao, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo rất lớn, vì thế Hội CCB tỉnh mong Nhà nước tăng nguồn vốn vay, mức vay và thời hạn cho vay để hộ vay ổn định sản xuất, tăng thu nhập. “Giờ Gia Lai cũng đang tiến hành triển khai cho các hộ vừa mới thoát nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn để tránh tái nghèo. Chúng tôi cũng mong Nhà nước tăng cưòng phối hợp triển khai cho vay vốn giải quyết việc làm theo hướng mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất có dự án khả thi, các trang trại do CCB làm chủ, các câu lạc bộ của CCB nhằm tạo nhiều công ăn việc làm cho hộ gia đình và con em hội viên” - ông Luyện bày tỏ.

Bách Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác