Mở mang làng nghề nơi đầu nguồn sông Cửu Long

31/07/2013
(VBSP News) Huyện Phú Tân (An Giang) hiện có đến hơn 100 làng nghề truyền thống tham gia giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn và góp phần trợ lực cho địa phương trong phong trào xoá nghèo, xây dựng Nông thôn mới.
Nghệ nhân đang chỉ cách dệt khăn choàng cho học viên

Nghệ nhân đang chỉ cách dệt khăn choàng cho học viên

Minh chứng cho hiệu quả đó là làng nghề đan giỏ, dệt chiếu của xã Phú Bình đã giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập cho khá nhiều hộ nông dân nghèo, trong đó có cả gia đình đồng bào dân tộc Hoa, Chăm. Ông Chủ tịch UBND xã Lý Lâm Nghĩa cho biết: “Làng nghề ở Phú Bình đã được NHCSXH huyện hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi kịp thời hơn 4 tỷ đồng, nhờ đó mà nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, có cuộc sống sung túc như ngày nay”.

Cũng theo lời kể của ông Chủ tịch xã thì nghề đan, dệt hàng thủ công đã có từ lâu ở vùng quê đầu nguồn sông Cửu Long, nhưng sau năm 2000, do biến động kinh tế trong, ngoài nước khiến mặt hàng này không còn thị trường tiêu thụ. Đời sống người dân làng nghề gặp khó khăn, thiếu thốn.

Trong bối cảnh đó, được sự động viên, giúp đỡ của ban, ngành các cấp trong đó: có Dự án đầu tư vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm do Hội Phụ nữ và NHCSXH huyện xây dựng, phối hợp thực hiện nhằm khôi phục, mở mang ngành nghề thủ công truyền thống. 58 hộ dân vốn là con “nhà nòi”của nghề đan giỏ, dệt thảm, xe chiếu ở ấp Xoài Rinh quyết tâm đồng cam cộng khổ, mạnh dạn vay và sử dụng vốn chính sách vào công việc chuyển từ mô hình làm hàng gia công thảm, giỏ bằng cây lác, cây lục bình… sang sản xuất các mặt hàng giỏ đan bằng dây nhựa đủ màu sắc và các chủng loại phong phú.

Tổ hợp tác làng nghề của xã cũng được thành lập do chị Lâm Hoài Én phụ trách đã tập hợp bà con yêu nghề, có tay nghề, có tay nghề đan, dệt, đồng thời lập mối quan hệ chặt chẽ với Hội Phụ nữ xã và NHCSXH huyện để phát huy lợi thế về nghề truyền thống và nguồn vốn vay ưu đãi, chị Én tâm sự: “Thời gian đầu tổ hợp tác làng nghề mới thành lập mọi người phải chung sức, góp vốn tự có, nên việc sản xuất phải theo kiểu thắt lưng buộc bụng. May sao, sau một năm hoạt động, đó là khoảng giữa năm 2009, tổ hợp tác xã làng nghề cũng như cả làng nghề đến từng hộ xã viên được NHCSXH huyện giúp đỡ cho vay vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm (bình quân mỗi hộ vay 20 triệu đồng) để khôi phục, mở mang nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Được động viên, tiếp sức kịp thời, chúng tôi tập trung mua sắm nguyên liệu, thiết bị mới phục vụ sản xuất”.

Cùng với số máy dệt thảm, dệt chiếu có từ trước. Tổ hợp tác làng nghề Phú Bình đã dùng toàn bộ vốn vay của NHCSXH và vốn góp của xã viên đầu tư mua sắm thêm 10 máy dệt thảm của Nhật Bản, 2 máy dệt hoa văn, thành lập mới phân xưởng ươm dệt và chủ động trong khâu mua nguyên liệu, tổ chức dạy nghề thi tay nghề, tìm ra những tay thợ giỏi”.

Bây giờ làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã Phú Bình phát triển mạnh, là mũi nhọn giúp địa phương từng bước kéo tỷ lệ lao động nông thôn đạt tiêu chí Nông thôn mới. Đúng thế thật, chỉ tính riêng tổ hợp tác đan dệt ở ấp Xoài Rinh đã đảm nhận công việc giao nguyên liệu, nhận hàng và trả tiền gia công nghề đan giỏ bằng dây nhựa cho trên 400 hộ gia đình cùng với việc đảm bảo thanh toán nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn với NHCSXH.Thu nhập của mỗi người dân làng nghề thấp nhất là 50 nghìn đồng/ngày/người đan dệt giỏi thu nhập tăng 3 - 4 lần.

Ông Lâm Liêm, người dân tộc Chăm cho biết: “Mỗi ngày 2 ông bà đều trên 60 tuổi đan được khoảng 30 cái giỏ, tổng thu 90 nghìn đồng đã đủ tiền sinh hoạt mà không cần trông vào sự giúp đỡ của con cái. Tất cả nhờ có vốn ưu đãi của NHCSXH đấy”.

Chủ tịch UBND xã Phú Bình khẳng định: “Ước mơ khôi phục, mở mang ngành nghề truyền thống của địa phương đã trở thành hiện thực. NHCSXH đã làm “bà đỡ”, tăng nguồn vốn cho làng nghề phát triển. Xã cũng xúc tiến lập quy hoạch chuyển đổi ngành nghề nông thôn đến tất cả các xóm ấp nhằm xoá nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội”.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác