Tăng cường đầu tư vùng tứ giác Long Xuyên
Gia đình anh Huỳnh Lưu Vượng ở ấp Thanh Thuận, xã Vĩnh Thành trước đây thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng anh đều không có việc làm ổn định, cuộc sống 6 miệng ăn chỉ trông vào 3 công đất lúa. Năm 2008, từ 12 triệu đồng vay hộ nghèo của NHCSXH, anh Vượng đã cải tạo vườn tạp trồng cam, quýt giống Hậu Giang và chăn nuôi gà thịt theo phương pháp bán công nghiệp. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay gia đình anh đã là một trong những chủ vườn cung cấp trái cây đặc sản và giống cây có tiếng tăm của huyện Châu Thành. Ngay trong tháng 5 vừa qua, anh Vượng lại được NHCSXH tiếp sức, giải quyết cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để mở rộng mô hình vườn cây ăn quả và chăn nuôi 12 nghìn con gà giống Thái Lan, thu hút thường xuyên 5 lao động chăm sóc vườn cây ăn quả.
Cũng như anh Vượng, chị Nguyễn Thị Thu Thảo ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thuận đã sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH để đầu tư nuôi ếch Thái Lan. Chị Thảo cho hay, cuối năm 2012, gia đình vừa bán 5 bồn ếch tổng cộng khoảng 2,5 tấn, với giá 44 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lời hơn 50 triệu đồng. Thấy làm ăn được, chị Thảo vay thêm vốn ưu đãi nuôi thêm 4 bồn ươm con giống và tiếp tục nuôi ếch thịt trên 5 bồn đã có sẵn, khả năng sẽ cho thu nhập cao hơn trong năm 2013 này. Chị cũng dự tính trích phần tiền thu nhập từ nghề nuôi ếch trả hết nợ cho ngân hàng trước kỳ hạn vào cuối năm nay.
Hiện tại, xã Vĩnh Thuận có gần 100 hộ nuôi ếch Thái Lan và chủ yếu tập trung tại ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh Phú, hầu hết bà con đầu tư vốn vay ưu đãi vào công việc ươm con giống và làm bồn nuôi bằng tấm ni lông, giảm được một phần chi phí đáng kể và mỗi hộ thu hàng trăm triệu đồng vì nó thích hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết được việc làm cho người lao động nông thôn.
Ông Trần Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh giỏi đã được các xã, thị trấn cùng các ngành ở Châu Thành quan tâm, được NHCSXH hỗ trợ nguồn vốn kịp thời nên số hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ngày càng tăng. Vì vậy, tổng dư nợ vay ưu đãi của huyện lên tới trên 200 tỷ đồng, góp phần xây dựng các mô hình tiêu biểu như Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư xã An Hòa, Tổ hợp tác nuôi ếch Thái Lan xã Vĩnh Thuận, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xã Bình Hòa…
Cùng với các mô hình đó, toàn huyện đã có 4.440 cá nhân và 10 tập thể đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” 3 cấp, trong đó: cấp tỉnh có 586 cá nhân và 4 tập thể.
Bên cạnh những thuận lợi trong công tác đầu tư vốn ưu đãi thì huyện Châu Thành cũng còn gặp một số khó khăn. Theo đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, công tác tín dụng chính sách cần tiếp tục đổi mới, gắn kết chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức đoàn thể và lồng ghép với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm xóa nghèo bền vững, xây dựng một xã hội ở nông thôn từng bước hiện đại, kinh tế phát triển nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Bài và ảnh Thanh An
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã phát huy hiệu quả
- » Nhiều hộ dân ở Thanh Sơn: Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
- » Nấm Phú Lương vươn xa
- » Phong trào Cựu chiến binh làm giàu ở Sơn Dương
- » Người nghèo tại tỉnh Đồng Tháp làm giàu từ đồng vốn nhỏ
- » Khi phụ nữ Văn Yên có nguồn trợ lực
- » NHCSXH huyện An Lão góp phần xây dựng Nông thôn mới
- » Vốn “làm giàu” cho thanh niên
- » Từ hộ nghèo thành ông bà chủ
- » “Lối mở” cho hộ cận nghèo