Phong trào Cựu chiến binh làm giàu ở Sơn Dương

27/06/2013
(VBSP News) Góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Hội CCB huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế điển hình, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.
CCB Lê Anh Tuấn, xã Phúc Ứng đã thoát nghèo bền vững từ việc chế tác các sản phẩm gỗ lũa

CCB Lê Anh Tuấn, xã Phúc Ứng đã thoát nghèo bền vững từ việc chế tác các sản phẩm gỗ lũa

Hiện nay, Hội CCB huyện Sơn Dương có gần 7 nghìn hội viên tham gia làm kinh tế và có trên 80 hội viên có mô hình kinh tế trang trại, gần 500 hội viên là chủ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh dịch vụ. Hội viên CCB không chỉ làm giàu cho gia đình còn giúp đồng đội giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ năm 2008 đến nay, hội viên cựu chiến binh đã đóng góp trên 3 nghìn ngày công lao động, giúp nhau gần 200 triệu đồng để xóa 535 ngôi nhà tạm, dột nát.

Các cấp hội đã tín chấp cho hội viên được vay vốn ưu đãi. Trong đó, vốn giải quyết việc làm của Trung ương CCB và của địa phương đã cho hội viên vay gần 900 triệu đồng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, các cấp hội đã củng cố và thành lập được 120 Tổ tiết kiệm và vay vốn với số dư nợ trên 55,6 tỷ đồng. Trong đó, có 1.877 hội viên được vay vốn từ NHCSXH. Việc xây dựng quỹ hội được hội viên tích cực hưởng ứng nhằm giúp đỡ hội viên nghèo được vay vốn vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, quỹ hội đã xây dựng được 2,24 tỷ đồng, đã giúp 1.450 hội viên vay để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hội viên. Hội CCB xã Phúc Ứng những năm qua luôn đi đầu trong phong trào CCB xóa nghèo và làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn hội đã xây dựng được gần 30 mô hình CCB làm kinh tế giỏi các cấp. Từ năm 2008, hội đã xây dựng được gần 150 triệu đồng quỹ tự quản giúp đỡ trên 100 hội viên vay vốn và hỗ trợ làm mới, sửa chữa 10 ngôi nhà cho hội viên. Đến nay, hội viên CCB xã Phúc Ứng không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,7% (2010) xuống còn 4,2% (2012).

CCB Nguyễn Văn Tiến ở thôn Phú An, xã Tam Đa là một tấm gương tiêu biểu về vượt khó vươn lên làm giàu. Ông là chủ trang trại nuôi lợn siêu nạc theo dây chuyền tự động khép kín. Hàng năm, trang trại kinh tế của ông xuất ra thị trường khoảng 1 nghìn tấn lợn thương phẩm. Gia đình ông còn là đại lý cấp I cung cấp thức ăn cho trang trại và các hộ chăn nuôi địa phương và các vùng lân cận. Thực hiện phong trào CCB xóa nghèo, làm giàu, ông đã tích cực giúp đỡ hội viên trong hội về vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế để nhân rộng ngày càng nhiều mô hình kinh tế giỏi của CCB.

Bên cạnh đó, các cấp Hội CCB trong huyện đã phối hợp hiệu quả với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng rừng, chè, chăn nuôi trâu, bò sinh sản… nhằm giúp hội viên nắm bắt và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Thủy Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác