Những nỗ lực thoát nghèo của người dân Đức Trọng

27/06/2013
(VBSP News) Với huyện Đức Trong, hai xã Tà Năng và Đa Quyn, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống là hai xã còn có nhiều hộ nghèo: Xã Đa Quyn có đến 8/8 thôn đều thuộc diện nghèo, xã Tà Năng có 3/10 thôn, 1 cụm dân cư thuộc diện nghèo. Vì thế, những thôn này được đưa vào chương trình “Giảm nghèo nhanh, bền vững” theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Những ngôi nhà khang trang đã bắt đầu được xây dựng tại huyện nghèo Đức Trọng

Những ngôi nhà khang trang đã bắt đầu được xây dựng tại huyện nghèo Đức Trọng

Đa Quyn có 8 thôn, 960 hộ/4.400 nhân khẩu, trên 95% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là người K’Ho. Nghề nghiệp chính của người dân trong xã là làm nông nghiệp, với trên 100ha lúa nước 1 vụ, gần 300ha lúa nước 2 vụ, 553ha cà phê kinh doanh và trồng mới; cùng với chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm.

Để giúp người dân thoát nghèo, UBND xã Đa Quyn đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất. Theo đó, các lĩnh vực được ưu tiên là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh chiều sâu và phát triển đàn lợn nái và bò. Những hộ được chọn đầu tư phải là hộ phải đăng ký thoát nghèo, thực hiện đúng sự hướng dẫn, kiểm tra giám sát của chính quyền. 4 năm qua, xã đã đầu tư 300 triệu đồng mua cây giống cà phê cao sản hỗ trợ cho người dân phá bỏ những vườn cà phê cũ, trồng cà phê giống mới; đầu tư trên 4,2 tỷ đồng để mua phân bón, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như máy cày, máy tưới, bình xịt thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ. Xã còn phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng trăm lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, năng suất lúa nước và cà phê của một số hộ dân được đầu tư hiện đã được nâng lên một bước, với 5 tạ/sào lúa nước và gần 3 tấn/ha đối với cà phê.

Đặc biệt, bà con hộ nghèo trong xã được NHCSXH huyện Đức Trọng cho vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ làm nhà ở, buôn bán nhỏ… Nhờ triển khai đồng bộ chính sách “giảm nghèo nhanh, bền vững”, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Đa Quyn đã giảm xuống 24,36%, trong số đó có không ít hộ đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá.

Tương tự, tại 3 thôn Tà Nhiên, Chiêu Krơm, Blá của xã Tà Năng, cũng thông qua chương trình 30a sau 4 năm đã có 60 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 30% năm 2009, xuống còn 8,98%.

Còn tại xã Liên Hiệp, 12.257 khẩu/2.654 hộ, người dân và chính quyền đang nỗ lực đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% tổng số hộ dân vào cuối năm 2013. Để có được điều đó, quan trọng nhất là bà con tiếp cận được nhiều nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi từ NHCSXH - chị Nguyễn Thị Thiềng, một người dân trong xã khẳng định. Trước đây, cuộc sống của gia đình chị bị cái đói, cái nghèo bám riết. Từ khi được vay vốn của NHCSXH, chị Thiềng đã dần dần vươn lên thoát nghèo bằng cách “xoay” rất nhiều nghề như nuôi heo, trồng dâu nuôi tằm. 3 năm qua, với thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm và cà phê, không chỉ trả được nợ, thoát nghèo bền vững mà cuộc sống của gia đình chị Thiềng đã khá hơn rất nhiều.

Bài và ảnh Thành Yên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác