Nâng cao ý thức tiết kiệm, giúp thoát nghèo

25/06/2013
(VBSP News) Số tiền huy động đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng chính sách khác được vay vốn; nâng cao ý thức tiết kiệm của các hộ nghèo, tăng khả năng chi trả lãi, gốc... giúp giảm nghèo bền vững.
Nhờ vốn vay từ NHCSXH, gia đình ông Cù Đức Chung tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã trồng được 7ha mây nếp tập trung

Nhờ vốn vay từ NHCSXH, gia đình ông Cù Đức Chung tại xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã trồng được 7ha mây nếp tập trung

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo

Diễn Trung là xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng bãi ngang của huyện Diễn Châu, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới gần 23%. Nhu cầu vay vốn làm ăn thoát nghèo trên địa bàn xã hiện nay khá cao với 897 hội viên tham gia vay vốn của NHCSXH, tổng số dư nợ đến nay lên tới 14 tỷ đồng. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, không tồn tại nợ quá hạn. Gia đình anh Hồ Công Bảy, một hộ nghèo ở xóm 7b là một trường hợp tiêu biểu.

Năm 2009, gia đình anh Bảy được NHCSXH huyện Diễn Châu cho vay số tiền 10 triệu đồng. Vay thêm bạn bè và người thân, gia đình anh mở dịch vụ thu mua nông sản, đem đi nhập ở các đại lý. Chỉ hai năm sau, vợ chồng anh đã trả hết nợ, sắm xe tải để vận chuyển hàng hóa, tăng số vốn lưu động lên đến hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, cuộc sống đã tạm ổn, công việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, gia đình anh Bảy đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã.

Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, đến nay, toàn huyện Nghĩa Đàn đã có 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 90% hội viên tham gia chương trình huy động tiết kiệm với tổng số tiền lên đến trên 4,7 tỷ đồng. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và xem việc tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là một phần “trách nhiệm xã hội” của mình.

Nâng cao ý thức tiết kiệm của các hộ nghèo

Chương trình huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được những kết quả khả quan nhưng theo ông Trần Khắc Hùng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù NHCSXH tỉnh đã tổ chức tập huấn cho NHCSXH cấp huyện, cho các tổ chức được ủy thác nhưng vẫn có những cách hiểu sai dẫn đến những cách làm sai lệch chủ trương. Để thực hiện tốt chương trình, điều quan trọng nhất là phải làm cho hội viên vay vốn hiểu được lợi ích, ý nghĩa, từ đó tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện.

Lúc mới triển khai chương trình huy động tiết kiệm thông qua các tổ vay vốn, không ít hộ dân phản đối. Nhiều hội viên cho rằng đây là việc làm “trái khoáy” bởi có nghèo mới phải vay vốn làm ăn, lấy đâu ra tiền để gửi tiết kiệm? Tại sao lãi suất huy động lại quá thấp so với lãi suất cho vay? Ngay cả cán bộ xã cũng có nhiều băn khoăn không biết phải làm sao để người dân hiểu và tham gia.

Ông Trần Văn Dung - Chủ tịch HĐND xã Diễn Trung cho biết thêm: “Ở xã Diễn Trung, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, xóm rà soát và triển khai làm thủ tục cho vay đúng đối tượng, tuyên truyền để các hội viên vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hiểu rõ ý nghĩa chính sách huy động tiết kiệm của NHCSXH. Chúng tôi được NHCSXH huyện giao chỉ tiêu nhưng không phải là chỉ tiêu cứng, có nghĩa là không bắt buộc, vận động được nhiều hội viên vay vốn tham gia tiết kiệm càng tốt. Sau đó, chúng tôi được cán bộ ngân hàng giải thích, đây là hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn, có thể chủ động rút khi có nhu cầu, có thể chuyển sang trả lãi, gốc Lợi ích của việc tiết kiệm là sẽ tạo ý thức cho người nghèo trong việc tích lũy”.

Chương trình huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn Nghệ An đang cho thấy những hiệu quả tích cực. Với số tiền huy động được hàng năm, NHCSXH bổ sung vào nguồn vốn cho vay gần 100 tỷ đồng, tạo điều kiện mở rộng diện cho vay phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu cho các hộ dân. Chương trình góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm của người nghèo, tạo lập vốn tự có để ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

Văn Dũng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác