Đóng góp tích cực cho công cuộc giảm nghèo

24/06/2013
(VBSP News) Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, đồng vốn chính sách của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã góp phần giúp 185.749 hộ cải thiện cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, phương thức làm ăn, trong đó có 102.233 hộ đã thoát nghèo. Đến nay, tổng doanh số cho vay của ngân hàng đạt khoảng 3.919 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều hộ nghèo ở Bắc Giang đầu tư trồng vải đã thoát nghèo

Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều hộ nghèo ở Bắc Giang đầu tư trồng vải đã thoát nghèo

Nhìn từ Tân Sơn

Tân Sơn (Lục Ngạn) có 1.700 hộ với 7.600 khẩu, nhưng có tới 1/3 dân số sinh sống trong khu vực lòng hồ Cấm Sơn nên phát triển kinh tế gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn cao nhất huyện. Trước khó khăn này, NHCSXH tỉnh đã triển khai nguồn vốn cho gần một nghìn hộ nghèo của xã vay để đầu tư phát triển kinh tế như nuôi bò, ngựa, trồng rừng sản xuất…, nhờ đó mà nhiều gia đình có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; dần dần thoát nghèo.

Có mặt trong buổi giải ngân vốn chính sách cho hộ nghèo, bà Hoàng Thị Dần - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khuân Tỏ hồ hởi cho biết: “Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà cuộc sống của bà con đã được cải thiện hơn nhiều. Năm 2010, toàn thôn có 131 hộ thì có tới 80 hộ nghèo. Từ khi được vạy vốn ưu đãi của NHCSXH, người dân đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng quy mô sản xuất, do vậy, đến năm 2012 thôn chỉ còn 43 hộ nghèo. Nhiều gia đình đã trở nên khá giả, đơn cử như hộ ông Vi Văn Vinh. Trước đây, gia đình ông Vinh là hộ nghèo, năm 2010 , được vay 10 triệu đồng của NHCSXH, đã đầu tư vào nuôi ngựa bạch. Sau 2 năm, ông bán ngựa không chỉ đủ trả cả gốc lẫn lãi ngân hàng mà còn dư tiền để mua sắm, chỉnh trang nhà cửa”.

Bà Triệu Thị Ninh - Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn cho biết: “Sau khi tiếp cận nguồn vốn, bà con đều sử dụng đúng mục đích, chủ yếu là đầu tư vào chăn nuôi, trồng keo, vải thiều… Nhờ có sự chung tay của NHCSXH mà tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, từ hơn 92% năm 2010) xuống còn 65,58% (năm 2012)”.

Bứt phá

Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính nhưng có tới 8 huyện thuộc diện khó khăn, do vậy tỉnh luôn phải đối mặt với những thách thức như trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với đó, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn. Nắm bắt được tình hình cụ thể của địa phương, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh hoạt động, đặc biệt là áp dụng mô hình tổ chức đặc thù, do vậy đã khẳng định được vai trò, vị thế của NHCSXH.

Khi mới thành lập, tổng dư nợ của ngân hàng chỉ đạt 227 tỷ đồng với 3 chương trình tín dụng. Sau 10 năm hoạt động, đơn vị triển khai 11 chương trình tín dụng, doanh số cho vay đạt 3.919 tỷ đồng, bình quân mỗi năm có trên 43 nghìn lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với số tiền 395 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 1.553 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng.

Trong 10 năm qua, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã góp phần giúp 185.749 hộ cải thiện cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, trong đó có 102.233 hộ thoát nghèo. Thông qua việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi, ngân hàng đã tạo việc làm mới cho 201.125 lao động, trong đó có 8.163 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài điểm nhấn là cho vay hộ nghèo, ngân hàng cũng đẩy mạnh chương trình tín dụng HSSV, với 77.534 em được vay vốn để đi học, trong đó có 17 nghìn HSSV đã ra trường, có việc làm ổn định và trả nợ ngân hàng. Đơn vị cũng triển khai cho người dân vay để xây dựng 38.748 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 8.017 ngôi nhà cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở theo Chương trình 167; duy trì và phát triển nhiều dự án, các làng nghề truyền thống, mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), khai thác hiệu quả tiềm năng rừng, tạo sản phẩm mới như nghề làm bánh đa Kế ở TP. Bắc Giang, nghề làm mỳ ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn), phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế…

Có thể nói, những chương trình tín dụng của NHCSXH đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa nghèo của tỉnh Bắc Giang. Theo tiêu chí hộ nghèo giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh có 111.300 hộ nghèo (chiếm 30,67%), đến hết năm 2010 giảm còn 39.093 hộ (9,78%). Bước sang giai đoạn 2011 - 2015, số hộ nghèo theo tiêu chí mới là 78.863 hộ (chiếm 19,61%), 35.385 hộ cận nghèo (8,85%); đến hết năm 2012, số hộ nghèo giảm còn 51.114 hộ (12,12%), cận nghèo còn 31.896 hộ (7,26%). Như vậy, bình quân tỷ lệ hộ nghèo của Bắc Giang giảm trên 4%/năm.

Tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh đạt 2.571 tỷ đồng, tăng 2.356 tỷ đồng (gấp hơn 11 lần so với thời điểm nhận bàn giao), bình quân mỗi năm có 235 tỷ đồng nguồn vốn bổ sung mới, với 139.216 khách hàng còn dư nợ, bình quân mỗi hộ vay 18,5 triệu đồng, cao hơn gần 5 lần so với năm 2003.

Với phương thức giải ngân, thu nợ trực tiếp không qua trung gian, đến nay NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch cố định tại 223/230 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Các hoạt động giao dịch được thực hiện ở địa bàn xã, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cũng như giảm kinh phí quản lý cho ngân sách Nhà nước.

Hoàng Văn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác