Lục Nam phá thế thuần nông

26/06/2013
(VBSP News) Lục Nam là một trong 5 huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Huyện có 25 xã và 2 thị trấn, trong đó 9 xã thuộc vùng cao miền núi. Với khoảng trên 48.300 hộ dân, trên 90% làm nông nghiệp, cho đến nay Lục Nam vẫn là huyện thuần nông. Trong những năm qua, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, toàn huyện nỗ lực vươn lên trong thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của Lục Nam có những bước phát triển đáng khích lệ.
Được vay vốn ưu đãi, chị Khuyên mở rộng chăn nuôi lợn thịt

Được vay vốn ưu đãi, chị Khuyên mở rộng chăn nuôi lợn thịt

Trong 9 xã vùng cao miền núi của Lục Nam, có 5 xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện chương trình 135 của Chính phủ (giai đoạn II), huyện được đầu tư 4 dự án chủ yếu: xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đồng bào có đời sống khó khăn và dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng. Đến nay, Lục Nam đã cơ bản hoàn thành dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, với 66 công trình, như: bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương thủy lợi; xây mới trường học, chợ, đường điện, nhà sinh hoạt cộng đồng… Nhờ vậy, bộ mặt kinh tế - văn hóa - xã hội nơi đây đã có những đổi mới đáng kể. Vô Tranh là một xã đặc biệt khó khăn, gần 40% đồng bào dân tộc thiểu số, đờì sống bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại khó khăn. Trước đây, thôn Di năm làm 1 vụ lúa đã khó khăn vì thiếu nước. Nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình 135 giai đoạn II, thôn Di được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dài hơn 1,5km, kinh phí 285 triệu đồng. Có nước, bà con làm một năm 2 vụ lúa, năng suất cao; thêm một vụ đông hàng hóa như: khoai tây, hành, tỏi, đậu tương, ngô thu thêm 2 - 3 triệu đồng/sào. Lục Nam có diện tích tự nhiên 59.678ha, trong đó: đất nông nghiệp 46.624ha. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm gần đây. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên và thế mạnh của từng vùng, Lục nam đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước phá thế thuần nông. Đến nay, huyện đã hình thành được vùng sản xuất rau chế biến với quy mô 200ha, trồng dưa chuột Nhật, dưa chuột Đài Loan, dưa chuột bao tử, cà chua bi, khoai tây Alantic; vùng sản xuất rau an toàn 800ha; vùng sản xuất rau truyền thống 1.500ha; sản xuất dưa hấu 200ha; cây củ đậu 150ha; lạc 1.800ha; na dai VietGAP 40ha… Những vùng sản xuất này cho thu nhập từ 70 - 120 triệu đồng/ha/năm, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người nông dân và từng bước hoàn thành tiêu chí thu nhập trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Theo bà Dương Thị Hòe - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lục Nam, có được kết quả trên đây là sự chung tay, góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện. Riêng đối với NHCSXH trên địa bàn Lục Nam: “là bà đỡ của hộ nghèo, bạn đồng hành cùng gia đình chính sách. Đây là sợi dây kết nối trên tinh thần trách nhiệm cao giữa Hội Phụ nữ huyện và NHCSXH huyện” - bà Hoè nhận xét. Hiện nay, dư nợ ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở Lục Nam đạt gần 353 tỷ đồng, trong đó: Hội Phụ nữ huyện quản lý 204 tỷ đồng, thông qua 326 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 9.600 hộ vay. Năm 2012, Hội Phụ nữ huyện Lục Nam được Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bắc Giang đánh giá là một trong những đơn vị điển hình về quản lý vốn vay, về tỷ lệ thu lãi (hơn 98%) và sử dụng vốn vay có hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Nghè 3, xã Tiên Nha. Năm 2012, được vay 15 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ nghèo. Sau khi tính toán, chị Loan quyết định sử dụng số vốn này mua 6 con dê để nuôi. Được chăm sóc tốt, đến nay từ 4 con chị Loan đã có một đàn dê hơn 20 con. Mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Gia đình chị Đào Thị Khuyên ở thôn Trại mít, xã Đông Hưng dịp này đang thuê thợ xây mở rộng dãy chuồng trại chăn nuôi. Chị cho biết: thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của phụ nữ, năm 2011 chị được vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, chị đầu tư cho chăn nuôi lợn, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Năm 2012, vừa qua, chị bán hơn 1 tấn lợn thương phẩm, hàng trăm con lợn giống và gia cầm. “Kinh tế gia đình đang khá lên. Chăn nuôi thuận lợi nên tôi tiếp tục mở rộng khu chuồng trại. Niềm vui này không chỉ của riêng gia đình tôi, mà cả Lục Nam này đều vậy” - chị Khuyên trải lòng.

Bài và ảnh Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác