Khi phụ nữ Văn Yên có nguồn trợ lực
Căn cứ vào chương trình hoạt động thực tế của hội, hàng năm, hội đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác gắn với nhiệm vụ triển khai thực hiện nguồn vốn vay ủy thác. Sau hơn 10 năm thực hiện, tổng dư nợ đến nay đã đạt trên 94 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%. Có được kết quả trên là do hội tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban, sơ kết, tổng kết với NHCSXH huyện để tổng hợp, đánh giá về tiến độ và kết quả triển khai vốn vay cho các đối tượng liên quan, tiếp cận các văn bản mới để kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách có liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi tới hội viên phụ nữ và nhân dân. Hội còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn cho phù hợp tình hình thực tế. Đến nay, đã thành lập được 234 tổ tín dụng đi vào hoạt động có hiệu quả. Hội Phụ nữ các xã: Viễn Sơn, Đại Phác, Yên Phú, thị trấn Mậu A… trở thành điển hình hoạt động hiệu quả.
Theo quy chế hoạt động, hội thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra công tác hội, gắn với kiểm tra chương trình vay vốn tại các xã, chi tổ phụ nữ, trong đó chú trọng kiểm tra quá trình triển khai vốn vay. Đồng thời, họp tổ, thôn bình xét công khai, khách quan dân chủ; họp Tổ tiết kiệm và vay vốn hàng tháng thu lãi, nhắc nhở các hộ các khoản vay sắp đến hạn trả để có kế hoạch thanh toán đúng kỳ hạn…
Cấp hội ở cơ sở còn nắm bắt kịp thời thuận lợi, khó khăn của từng hộ vay vốn, để có định hướng điều chỉnh những vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành hoặc vi phạm quy chế. Do vậy, tỷ lệ nợ quá hạn không nhiều, không có tình trạng chiếm dụng, xâm tiêu vốn.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức triển khai các nhiệm vụ của hội theo từng tháng, từng quý trong đó: lồng ghép với chương trình đầu tư vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ góp phần xóa nghèo. Hội thường xuyên phối hợp với NHCSXH huyện duy trì các buổi giao dịch tại các xã; tham gia giám sát tại các buổi giao dịch theo lịch để đôn đốc theo dõi các thành viên, tổ trưởng và cán bộ phụ trách tại xã thực hiện nhiệm vụ, tránh tình trạng Tổ trưởng nộp gốc hộ các tổ viên.
Với vai trò là thành viên của Hội đồng quản trị NHCSXH, hàng quý, Hội Phụ nữ huyện tham dự giao dịch cùng NHCSXH để giám sát việc duy trì giao dịch, niêm yết công khai chính sách các khoản vay, mức vay, thời hạn vay, lãi suất, đối tượng, danh sách vay vốn…; tham dự giao ban cùng với Lãnh đạo xã và tổ chức hội nhận ủy thác, thảo luận việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay sao cho đúng mục đích, có hiệu quả.
Cùng đó, hơn 10 năm qua, Hội Phụ nữ huyện Văn Yên còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tiếp tục hỗ trợ cho hội viên phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên. Hội phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Tỉnh Hội Phụ nữ và Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa nước tại 13 xã vùng lúa. Đã có 226 lớp tập huấn được mở tại xã và truyền thông tại thôn cho 7.106 lượt hội viên phụ nữ và nhân dân tới học tập.
Kết quả đã có 3.819 hộ ở 26/27 xã, thị trấn tham gia, trong đó có 412 hộ nghèo; năng suất lúa trung bình hàng năm tăng 15,5% so với sử dụng phân vãi thông thường. Hội Phụ nữ còn tổ chức thành công hội thi cấp huyện về tìm hiểu, áp dụng kiến thức khoa học phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa, tham gia hội thi cấp tỉnh năm 2010 đạt giải nhất.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y mở 348 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 10.648 lượt hội viên phụ nữ tham gia học tập, áp dụng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập. Đồng thời, hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề mở 43 lớp đào tạo nghề ngắn hạn (chăn nuôi, thú y và trồng trọt chế biến nông sản) cho 532 hội viên phụ nữ tham gia; thành lập và ra mắt mới 49 câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện.
Thực hiện tốt cuộc vận động giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ xóa nghèo có địa chỉ, hội vận động hội viên quyên góp bằng tiền mặt, cây con giống và ngày công. Kết quả đã có 173 chị thuộc gia đình hội viên nghèo, đơn thân, tàn tật được giúp đỡ với số tiền 382 triệu đồng, 56,2 tấn thóc, 348 con lợn giống và 2.344 ngày công lao động…
Việc phối hợp cho vay vốn xóa nghèo, nâng cao kiến thức sản xuất cho hội viên một cách hiệu quả như một nguồn trợ lực giúp các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Văn Yên khẳng định được chức năng, nhiệm vụ của mình là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích thiết thực cho hội viên.
Đào Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH huyện An Lão góp phần xây dựng Nông thôn mới
- » Vốn “làm giàu” cho thanh niên
- » Từ hộ nghèo thành ông bà chủ
- » “Lối mở” cho hộ cận nghèo
- » Tín chấp vay vốn giúp hội viên thoát nghèo, làm giàu
- » Những nỗ lực thoát nghèo của người dân Đức Trọng
- » Chàng trai làm giàu từ chăn nuôi
- » Lục Nam phá thế thuần nông
- » Người phụ nữ Hrê sử dụng vốn vay để thoát nghèo
- » Nâng cao ý thức tiết kiệm, giúp thoát nghèo