Để đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững

31/07/2013
(VBSP News) Nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hướng về đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như Chương trình 135, Chương trình 30a, Nghị quyết 80, các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH... Đến nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện về mọi mặt. Nhưng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Hà Giang là một ví dụ.
Vùng dược liệu ở Hà Giang có triển vọng cung cấp đủ cho cả nước

Vùng dược liệu ở Hà Giang có triển vọng cung cấp đủ cho cả nước

Hà Giang là tỉnh nghèo vùng cao biên giới, hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó: dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố thì 6 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua các chính sách, dự án, hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã liên tục được thực hiện, đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến 6/2013, NHCSXH tỉnh đã thực hiện ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội 1.735 tỷ đồng, chiếm hơn 98,8% tổng dư nợ, trên 3.100 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 101.656 hộ đang được vay tại 195 xã, phường, thị trấn. Dư nợ bình quân 14 triệu đồng/hộ. Năm 2012, tổng nguồn vốn Trung ương giao tỉnh Hà Giang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên 141 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, biên giới là 138,6 tỷ đồng, được phân bổ cho 449 công trình thuộc các lĩnh vực: điện, đường, trường, trạm, thủy nông, nhà công vụ. Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh được hưởng nhiều chính sách, hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, như Nghị quyết 30a với nguồn vốn bố trí trên 309,7 tỷ đồng để thực hiện các chương trình chính sách về phát triển, khoanh nuôi bảo vệ rừng; khai hoang mở rộng sản xuất; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xuất khẩu lao động; tín dụng ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, Hà Giang còn được thụ hưởng một số chính sách đặc thù khác, như Đề án phát triển giáo dục đối với dân tộc ít người; đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011 - 2020; chương trình quy tụ, ổn định dân cư.

Năm 2012 Hà Giang có trên 11.000 hộ thoát nghèo, nhưng lại có tới 4.115 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Như vậy, thực tế chỉ giảm được gần 7.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh từ 35% năm 2011 xuống còn 30,13% năm 2012. Trong khi đó, theo Trưởng ban dân tộc Long Hữu Phước, toàn tỉnh hiện có 129.262 hộ dân tộc thiểu số, nhưng có tới 62.676 hộ nghèo (gần 50%). Qua những con số vừa nêu, cho thấy công tác giảm nghèo ở Hà Giang thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao.

Sau nhiều năm thử trồng các loại cây, đến nay Hà Giang mới tìm được loại cây trồng phù hợp nhăm tạo bước đột phá thu nhập cho đồng bào các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc, đó chính là cây dược liệu. Vừa qua, Chính phủ đã có văn bản chấp thuận cho tỉnh Hà Giang lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc giảm nghèo tại 6 huyện trong chương trình 30a của tỉnh. Với quy hoạch diện tích khoảng 10.000ha, dự kiến đầu tư 3.500 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh khi 1ha dự kiến thu nhập  từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Cùng với dự án trồng cây dược liệu, trồng cỏ phân tán trên núi đá để chăn nuôi bò hàng hóa là cách làm sáng tạo ở các huyện vùng cao núi đá Hà Giang. Trước đây, bà con nuôi giống bò Mông bản địa, thả rong trên những vách núi cheo leo, không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ 2008, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa giống cỏ VAO6 năng suất cao (200 - 250 tấn/ha/năm) vào trồng, đưa giống bò lai vào chăn nuôi, quanh năm nuôi nhốt trong chuồng mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Chí Thường, cùng vào cuộc với ngành nông nghiệp qua dự án cho các hộ nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi, 2 năm qua đã có 1.738 hộ được vay vốn từ NHCSXH để phát triển nghề nuôi bò thịt, với tổng số vốn 29,9 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 là 14,56 tỷ đồng; năm 2012 là 15,28 tỷ đồng. “Năm 2013, chưa có số liệu thống kê, nhưng chắc chắn mức đầu tư của ngân hàng sẽ hơn năm ngoái” - Chủ tịch huyện Mèo Vạc khẳng định.

Bài và ảnh Quốc Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác