Một dự án thiết thực với người Khmer nghèo

28/05/2013
(VBSP News) Mấy năm qua, dự án đầu tư vốn ưu đãi phát triển nghề chăn nuôi vỗ béo trâu bò ở An Giang do Hội Nông dân xây dựng với sự hỗ trợ của NHCSXH thu được kết quả cao ở các huyện miền núi biên giới tây Nam như Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, Châu Phú... Chính từ nghề này, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa tăng thu nhập, không những giúp nhiều hộ dân tộc Khmer xóa nghèo, mà còn giúp một số gia đình chăn nuôi lớn vươn lên làm giàu.
Nghề vỗ béo trâu bò đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở An Giang

Nghề vỗ béo trâu bò đang mang lại thu nhập cao cho người dân ở An Giang

Theo thống kê, hiện nay khu vực miền núi này có khoảng 12 nghìn con trâu, bò được vỗ béo đang thời kỳ xuất bán. Đó là chưa kể một số hộ nông dân có điều kiện, kinh nghiệm đứng ra mở trang trại cung cấp con giống và kiêm thêm nghề buôn lái trâu bò.

Điển hình là hộ anh Trần Văn Đỉnh, ấp Mỹ Phú, xã Thuận Mỹ, huyện Tri Tôn. Anh cho biết: “Trước đây gia đình không có đất gieo cấy nên chỉ sống bằng nghề khuân vác thuê, làm mướn ở vùng giáp gianh biên giới Campuchia. Từ năm 2010, được Nhà nước cho vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, anh liền mua đôi bò từ lúc còn bé về chăn nuôi”. Nhờ chịu khó học hỏi, bỏ công cắt cỏ, đi xin các loại phụ phẩm nông sản và không quản thời gian chăm sóc nên đôi bò của anh Đỉnh lớn nhanh trông thấy. Lấy ngắn nuôi dài, anh bán đàn bò đầu tiên, rồi nuôi dần lên 4 con, 6 con, 10 con… Nay tổng đàn bò của anh đã lên tới 28 con.

Anh Đỉnh tâm sự: “Sau khi trả hết nợ vay đợt đầu cho ngân hàng, tôi quyết định vay tiếp, với số tiền nhiều hơn, cùng số lãi của việc nuôi bò trong những năm trước, tôi chuyển sang nuôi cả bò lẫn trâu vỗ béo, chứ không mua bò con nuôi như trước nữa. Cách làm mới này đã rút ngắn được thời gian, trung bình mỗi năm, nhà tôi bán bò và trâu béo từ 4 đến 5 lần, khoảng 20 con, trừ chi phí còn lời được từ 50 - 60 triệu đồng”.

Còn chị Thạch Xoan, người dân tộc Khơmer ở xã An Cự, huyện Tịnh Biên kể rằng: “lúc đầu tôi cũng muốn nuôi bò nhưng khổ vì nhà không có đất đai, lại thiếu tiền. Nhờ tham gia dự án chăn nuôi của Hội Nông dân và được NHCSXH huyện cho vay ưu đãi, tôi mua được 2 cặp bò đầu tiên; cả gia đình tập trung sức chăm nuôi, đến khi bò lớn, chúng tôi liền xuất bán số tiền thu được lại đầu tư mua thêm con giống. Dần dần số lượng bò phát triển thành đàn hàng chục con, tôi đã thuê 5.000m2 đất để trồng cỏ, trồng bắp, khoai lang, lấy thức ăn tại chỗ cho bò. Cứ như vậy, lời lãi thu được bao nhiêu tôi chuyển hết vào xây dựng trang trại bò”. Hiện đàn bò của chị Xoan có 15 cặp, chị phải thuê 2 lao động giúp việc cắt cỏ, chăn dắt. Nhờ được tham gia Dự án nuôi bò của Hội Nông dân mà gia đình chị thoát nghèo, trở nên khấm khá. Chị đang có kế hoạch vay thêm vốn của NHCSXH để mua 10 cặp bò từ Campuchia về nuôi vỗ béo trong vòng 2 - 3 tháng, để bán vào dịp lễ, tết. Theo chị, nếu biết cách sử dụng công sức, tiền vốn vay vào nuôi vỗ béo trâu bò càng nhiều, thời gian càng lâu thì giá bán càng cao và tạo được nhiều “vòng quay” hơn, lãi càng gấp bội.

Còn ông Châu Kiểm cũng người Khmer ở xã Ô Lâm, TX. Châu Đốc, lại sử dụng vốn vay ưu đãi để mua trâu về nuôi vỗ béo để bán. Nuôi trâu tận dụng được sức kéo trong mùa vụ; khi mùa màng có thể xuất bán trâu cho thương lái. Ông phấn khởi nói: “Mới ngày nào tôi không có đến nổi 3 “cục” đất chọi chim. Từ 12 triệu đồng vốn ưu đãi vay được đủ để tôi mua 1 đôi trâu. Qua 4 năm gây dựng đến nay tôi đã có một đàn trâu lên đến 20 con, trong đó 5 con trâu cái chuẩn bị đẻ.

Theo ông Kiểm, hầu hết số trâu bò nuôi vỗ béo đã được ông mua từ Campuchia về là những con trâu gày, yếu được dày công chăm sóc, đưa đi ăn ngoài đồng cỏ, sau 4 - 5 tháng chăm sóc “khéo” là béo mập mạp, thu lãi từ 3 - 5 triệu đồng/con. Tính sơ bộ từ giữa năm ngoái đến nay, ông Kiểm đã cho xuất chuồng được 3 lứa trâu, cứ mỗi lứa lời đôi ba chục triệu. Từ dự án hỗ trợ vốn ưu đãi phát triển nghề nuôi vỗ béo trâu bò ở khu vực Bảy Núi tỉnh An Giang đã có nhiều hộ nông dân và gia đình đồng bào Khmer thoát nghèo nhanh, bền vững, làm giàu chính đáng ngay trên vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông.

Đặng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác