Đạt kế hoạch, nhưng chưa bền

27/05/2013
(VBSP News) Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam tổ quốc, có địa hình đa dạng, bờ biển dài hơn 200km, với trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều sông, núi, kênh rạch... có điều kiện phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - thủy sản và du lịch. Khai thác tiềm năng sẵn có, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, hai năm qua (2011 - 2012) Kiên Giang đã đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, giảm bình quân 1,56% hộ nghèo/năm, nhưng chưa bền vững (!?).
Lục bình cây xóa nghèo ở Kiên Giang

Lục bình cây xóa nghèo ở Kiên Giang

Theo số liệu của UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 8,84%, năm 2011 giảm xuống còn 7,23% và 5,73% năm 2012. Đạt được tốc độ giảm nghèo khá nhanh là do Kiên Giang đã triển khai thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ hộ nghèo về y tế, giáo dục, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, điện, nước, tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương khó khăn.

Trong rất nhiều những nguyên nhân, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đánh giá cao vai trò của NHCSXH “đã đóng góp tích cực, thiết thực và hiệu quả vào công cuộc xóa nghèo trên địa bàn”. Điều này, thể hiện rất rõ qua con số tổng kết 10 năm (2003 - 2012) hoạt động của NHCSXH tỉnh Kiên Giang; đã giúp cho 27.558 hộ thoát nghèo, trên 34 nghìn hộ nghèo đã cải thiện được đời sống và trên 23.800 hộ chuyển biến nhận thức và làm ăn có hiệu quả; tạo việc làm mới chotrên 146.600 lao động; hỗ trợ 38.059 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 7.297 hộ vùng ngập lũ có nhà ở ổn định; hỗ trợ 10.242 căn nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167; xây dựng 44.153 công trình nước sạch và 33.879 công trình vệ sinh; hỗ trợ cho trên 500 dự án, mô hình làm ăn hiệu quả, phát triển và mở rộng các làng nghề truyền thống…

Trở lại với hai năm thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo, năm 2011, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đạt tổng dư nợ gần 1.526 tỷ đồng; năm 2012 tăng lên 1.721 tỷ đồng. Chi nhánh tập trung cho vay 4/11 chương trình chủ yếu, là học sinh, sinh viên 526,6 tỷ đồng; hộ nghèo 415,8 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 268,4 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 209,4 tỷ đồng… Từ đồng vốn vay ưu đãi nhiều mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả, như: trồng nấm rơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng rau sạch, trồng lúa cao sản ở xã Ngọc Chúc; trồng rau, buôn bán nhỏ tại xã Bàn Tân Định (Giồng Riềng); nuôi lợn, nuôi cá tại xã Thủy Liễu (Gò Quao); chăn nuôi bò, lợn tại xã Vĩnh Điều (Giang Thành); tôm - lúa kết hợp nuôi cua tại xã Đông Hưng A (An Minh), thị trấn Sóc Sơn (Hòn Đất)… Hiện nay, trên địa bàn các huyện Giồng Riềng, Gò Quao dọc các con sông Cái Lớn, Cái Bé nhiều người dân đang tích cực khai thác nguồn lợi kinh tế từ cây lục bình (một loại cây hoang dã rất sẵn có ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long) mang lại giá trị kinh tế khá, giúp cho nhiều bà con thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Bà Ba Nghiệp ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thuận (Giồng Riềng) cho biết: “Do ít đất sản xuất, việc làm bấp bênh, nhờ công việc này (khai thác, sơ chế lục bình, phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu) mà hai vợ chồng già chúng tôi không phải đi làm thuê, sống thoải mái với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng. Nhẩm tính sơ sơ, hiện cả ấp có hơn 100 hộ làm nghề này”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh Kiên Giang cũng còn một số tồn tại. Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hai năm (2011 - 2012) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của tỉnh, cho thấy chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ phát sinh nghèo và tái nghèo còn cao. Cứ 2 hộ thoát nghèo có 1 hộ phát sinh nghèo và tái nghèo. Theo ông Mai Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: trong quá trình thực hiện quản lý điều hành các chính sách, dự án thuộc chương trình và nguồn vốn, một số địa phương quản lý thiếu chặt chẽ, nên việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả chưa cao. Một số dự án, chính sách Chương trình giảm nghèo đã được ban hành nhưng chậm được các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, nên triển khai vướng mắc, người nghèo chưa được thụ hưởng. Ngoài ra, tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận dân nghèo khi đã được các chính sách trợ giúp là rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Năm 2013, tỉnh Kiên Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% đến 1,8%. Cuối năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,23%. Rút kinh nghiệm hai năm qua, Kiên Giang lấy chất lượng giảm nghèo bền vững làm đầu. Ngoài việc quan tâm đến các hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và bãi ngang ven biển thuộc chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh đẩy mạnh công tác dạy nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi để Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ: về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 sớm thực hiện thành công ở Kiên Giang.

Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác