Vốn vay giúp hộ nghèo thoát nghèo
Xã Trung Minh (Yên Sơn) có dân số hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, Dao ở cách xa thị trấn huyện tới 80km, lại còn nhiều tập quán canh tác lạc hậu, không có kiến thức, vốn liếng làm ăn nên số hộ nghèo lên tới 592 hộ, chiếm 2/3 số hộ trong xã, hiện sống rải rác ở 19 thôn, bản. Xuất phát từ thực tế đó, trong suốt 10 năm qua, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện đã chẳng quản ngại khó khăn, vất vả, phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông, chính quyền và đoàn thể cơ sở, xây dựng được 33 Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đồng bào dân tộc thiểu số cách thức vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả và có thêm nghị lực, ý chí vượt khỏi ngưỡng nghèo, cải thiện cuộc sống.
Vợ chồng anh chị Vàng A Dũng, Sùng A Duể ở bản Khan Sơn xã Trung Minh là một trong những hộ được hưởng lợi và cảm nhận rõ nhất sự giúp đỡ của đồng vốn ưu đãi. Căn nhà hai gian mới xây lợp ngói đỏ và tô kẻ một dòng chữ to: “Nhà chính sách” của người Mông này được làm từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH và sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo Chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. “Không chỉ được hỗ trợ tiền vốn làm nhà ở vững chắc để định cư, vợ chồng tôi còn được NHCSXH giúp đỡ tậu cả 2 con trâu nữa đấy. Con trâu thứ nhất mua từ năm kia khi nó còn là nghé con với 5 triệu đồng là số tiền vay từ chương trình cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay không tính lãi, còn con trâu thứ 2, vợ chồng tôi mua từ nguồn vốn của chương trình hộ nghèo là 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Bây giờ có trâu to cày kéo, không phải thuê mướn nữa, hơn nữa 1 con trâu đã sinh sản được 2 lứa nghé con, vợ chồng tôi mới bán bớt 1 con được 14 triệu đồng. Cảnh nhà đỡ nghèo khổ rồi” - chị Duể kể.
Cũng hoàn cảnh như chị Sùng A Duể, vợ chồng anh Thào Văn Khuya sau khi nghe theo lời vận động của cán bộ Hội Nông dân và NHCSXH đã rời núi cao xuống thung lũng định cư, còn được nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời thay căn nhà dột nát bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang và xây hẳn một công trình phụ bao gồm: nhà tắm dùng nước giếng khoan, với nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đề ra. Trong chuồng chăn nuôi dưới chân đồi, anh Khuya còn có cặp trâu nái béo khoẻ tậu được từ 10 triệu đồng vay của NHCSXH cách đây 3 năm.
Anh Vàng A Dĩ - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bàn Kon, xã Trung Minh cho biết: Hiện nay tổ đang có 49 thành viên tham gia, với tổng dư nợ NHCSXH trên 900 triệu đồng. Sự giúp sức của nguồn vốn ưu đãi đối với các hộ thành viên không chỉ là một chương trình tín dụng ưu đãi mà tổng hợp từ nhiều chương trình khác nhau nhưng rõ nét nhất là chương trình cho vay hộ nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà ở. Việc cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở đã tạo cho đồng bào dân tộc có mái ấm an cư, chấm dứt cảnh di cư đốt phá rừng bừa bãi như trước đây, còn chương trình cho vay hộ nghèo đã tiếp sức mạnh để bà con vượt khó, làm chủ cuộc sống.
Anh Phan Văn Tiến - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Sơn chia sẻ: “Toàn huyện có 31 xã, phường, hiện đã bố trí có địa điểm giao dịch tại xã và ngày giao dịch cố định hàng tháng, kể cả những nơi xa xôi, đường sá đi lại khó khăn hay bất cứ ngày nghỉ lễ, mà đúng hẹn, NHCSXH đến với người nghèo, hỗ trợ họ kịp thời, thuận lợi và hiệu quả nhất.
Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn: Hàng triệu hộ dân thoát nghèo
- » NHCSXH huy động thành công 800 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
- » Niềm vui cho hộ cận nghèo
- » Giúp thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi
- » Đồng hành cùng người dân giảm nghèo
- » Bước tiến xóa nghèo ở Cư M’gar
- » Thành công từ nuôi nhím, lợn rừng
- » Nghĩa Đàn tăng trưởng bền vững
- » Hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất, nước sinh hoạt
- » Chỗ dựa đáng tin cậy