Bước tiến xóa nghèo ở Cư M’gar
Theo báo cáo của chính quyền huyện Cư M’gar, cách đây 2 năm, toàn huyện có 5.791 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,55%, trong đó: hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 65% trong tổng số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo là do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, và nhiều gia đình do đông con, có lao động nhưng không biết cách làm ăn, không có tay nghề.
Trước thực trạng đó, để giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống, trong năm 2011 - 2012, huyện Cư M’gar đã ưu tiên tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cùng với việc đầu tư trên 16 tỷ đồng vốn ngân sách để sửa chữa hệ thống giao thông nông thôn, thực hiện chương trình phát triển kinh tế buôn làng cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho nhân dân áp dụng vào sản xuất, trong 2 năm qua, NHCSXH huyện Cư M’gar đã tổ chức giải ngân 52 tỷ đồng cho hộ nghèo phục vụ công việc thâm canh đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và làm nhà ở. Đồng vốn ưu đãi được chuyển đến tận các buôn làng xa xôi, khó khăn, giúp hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Vì vậy, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng xóa nghèo bền vững, toàn huyện đã giảm được 1.247 hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm được 2,78% số hộ nghèo. Đến nay, huyện Cư M’gar còn 4.494 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,39% so với tổng số hộ dân trên địa bàn.
Xã Em Pấng là nơi có hơn 85% người dân tộc Ê Đê, được chọn làm thí điểm triển khai lồng ghép các chính sách định canh định cư, hỗ trợ về nhà ở, chương trình 134,135 giai đoạn II của Nhà nước mà trong đó: nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đóng vai trò chủ lực, được triển khai đến với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số một cách nhanh nhất, góp phần xóa nghèo bền vững ở nơi vùng sâu, vùng xa.
Ngay khi bắt tay thực hiện dự án, NHCSXH đã nhanh chóng chuyển hơn 2 tỷ đồng vốn bổ sung cho hộ nghèo ở xã Em Pấng vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi kế tiếp, cán bộ tín dụng ngân hàng cùng với cán bộ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không quản ngại vất vả khó khăn đã đến từng buôn làng xa xôi vận động, hướng dẫn bà con dân tộc vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay để bắc đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy nước tập trung về tận nhà để sử dụng và làm nhà tiêu hợp lý, làm sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Bằng những bước đi phù hợp, công tác tín dụng chính sách đã và đang nhận được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy nhiều cách làm hay, sáng tạo, từng bước tạo nên sự chuyển biến từ nhận thức đến vấn đề sản xuất, giải quyết việc làm và thu nhập cho người nghèo. Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, buôn Em Pấng đã có một diện mạo mới trên vùng biên giới Tây Nguyên. Mọi hộ nghèo đều vay các chương trình tín dụng ưu đãi thuận lợi, kể cả vốn vay không tính lãi cho 48 hộ người Ê Đê đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc cũng đã biết cách sử dụng vốn vay vào trồng trọt, chăn nuôi, bỏ hẳn tập quán du cư đốt phá rừng bừa bãi làm nương rẫy. Nhiều hộ dân như bà N.Sính, anh K.Bua, ông K.Ren… ngày nào còn nghèo khổ, nay nhờ vốn vay ưu đãi trồng được cả đồi cà phê, chăn được đàn trâu béo mộng, thoát hẳn cảnh cơ hàn. Buôn làng xa xôi tươi vui, ấm no dần.
“Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các ban, ngành của địa phương bám sát mục tiêu chương trình xóa nghèo thực hiện các mô hình giảm nghèo phù hợp, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ phong trào xóa nghèo, tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là coi trọng công tác tín dụng chính sách để giúp đỡ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Toàn huyện phấn đấu trong năm 2013 giảm 108 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ giảm 3% số hộ nghèo trên địa bàn”. Ông Lê Đức Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Cư M’gar khẳng định.
Nguyễn Thanh Hương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thành công từ nuôi nhím, lợn rừng
- » Nghĩa Đàn tăng trưởng bền vững
- » Hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất, nước sinh hoạt
- » Chỗ dựa đáng tin cậy
- » NHCSXH Xuyên Mộc đã đưa nợ quá hạn xuống dưới mức 1%
- » Hà Tĩnh thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ
- » "Nhờ đồng vốn chính sách, bản làng tôi đã thay đổi"
- » Vốn tín dụng học sinh, sinh viên nơi địa đầu Tổ quốc
- » Giảm nghèo ở Phượng Tiến
- » Giúp người dân tại tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo