Đồng hành cùng người dân giảm nghèo
Hết năm 2012, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Tiên Du đạt hơn 344,5 tỷ đồng; tổng dư nợ 195,6 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với ngày đầu thành lập. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 44,8 tỷ đồng với 1.973 hộ vay, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng dư nợ, học sinh, sinh viên đạt 77,8 tỷ đồng và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 63,3 tỷ đồng…
Nguồn vốn của NHCSXH đã giúp cho hơn 5.218 lượt hộ thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho 20.056 lao động, 3.657 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập; cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 20.445 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương xuống còn 1.199 hộ.
Những kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện Tiên Du trong việc kịp thời, nhanh chóng đưa đồng vốn chính sách đến với người dân, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc NHCSXH huyện Tiên Du, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn những năm qua là nhờ ngân hàng đã tranh thủ được sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức hội, đoàn thể trong quá trình ủy thác cho vay. Hiện, toàn huyện có hơn 300 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 10.000 lượt hộ vay vốn tại 14 Điểm giao dịch xã, thị trấn thực hiện tốt công tác huy động vốn trong nhân dân, vừa đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây chính là bài học kinh nghiệm trong quản lý, vận hành vốn chính sách nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trong 7 chương trình cho vay ưu đãi, có tới 6 chương trình được ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Ở cấp cơ sở là các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc các hội, đoàn thể cấp xã. Thông qua buổi sinh hoạt tổ các chủ trương, chính sách của Nhà nước được phổ biến công khai, việc bình xét cho vay minh bạch và dân chủ. Bên cạnh sự sâu sát của cán bộ tín dụng thì việc củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn giữ vai trò hết sức quan trọng. Việc duy trì nền nếp hoạt động của các Tổ giao dịch lưu động tại xã, thị trấn đã tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay. Đồng thời thực hiện công khai, dân chủ trong việc sử dụng vốn chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Có thể khẳng định, đồng vốn chính sách trong những năm qua đạt kết quả tốt, thực sự trở thành công cụ tài chính hiệu quả của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn còn một số hạn chế mà NHCSXH huyện Tiên Du đã và đang tiếp tục chủ động phát huy nội lực để khắc phục trong năm 2013 và những năm tiếp theo để nguồn vốn ưu đãi ngày càng phát huy hiệu quả.
Hà Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bước tiến xóa nghèo ở Cư M’gar
- » Thành công từ nuôi nhím, lợn rừng
- » Nghĩa Đàn tăng trưởng bền vững
- » Hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất, nước sinh hoạt
- » Chỗ dựa đáng tin cậy
- » NHCSXH Xuyên Mộc đã đưa nợ quá hạn xuống dưới mức 1%
- » Hà Tĩnh thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ
- » "Nhờ đồng vốn chính sách, bản làng tôi đã thay đổi"
- » Vốn tín dụng học sinh, sinh viên nơi địa đầu Tổ quốc
- » Giảm nghèo ở Phượng Tiến