Chương trình cho vay hộ cận nghèo, vài ghi nhận ở Nghệ An

27/05/2013
(VBSP News) Khỏi phải nói, bà con từ miền ngược đến miền xuôi trong tỉnh Nghệ An phấn khởi thế nào khi đón nhận thông tin: hộ cận nghèo được vay vốn NHCSXH. Bởi đây là "bệ đỡ" giúp họ thoát nghèo bền vững...
Cán bộ NHCSXH huyện Nghi Lộc (trái) cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hoa Tây thăm mô hình nuôi bò của chị Thuận

Cán bộ NHCSXH huyện Nghi Lộc (trái) cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hoa Tây thăm mô hình nuôi bò của chị Thuận

Như liều thuốc bổ…

Nằm liền kề với TP.Vinh, huyện Nghi Lộc có 29 xã và 1 thị trấn, trong đó, số hộ nghèo chiếm 11,8% (5.787 hộ); hộ cận nghèo 12,8% (6.246 hộ). Sau khi Nhà nước có chủ trương cho vay vốn hộ cận nghèo, NHCSXH huyện đã trực tiếp rà soát từng đối tượng trên địa bàn và gửi báo cáo về NHCSXH tỉnh. Hiện, mọi thủ tục đã xong, chỉ chờ nguồn vốn về là triển khai cho vay.

Được biết, xã Nghi Hoa là địa phương có đàn bò sinh sản lớn nhất huyện Nghi Lộc. Những hộ nghèo chỉ cần được vay vốn mua 1 con bò, cộng với chăm chỉ làm ăn là có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng yên ả như vậy.

Chị Hoàng Thị Thuận ở xóm Hoa Tây cho biết, vài năm trước gia đình đang làm ăn thuận lợi thì một lần chồng chị bị chính con bò nhà mình húc ngã gãy xương bả vai, phải bán hết bê, bò trong nhà để chạy chữa. Chưa hết, 1 năm sau, con gái đầu của chị mất do tai nạn giao thông, tai họa liên tục ập đến khiến gia đình lao đao. Năm 2011, được NHCSXH cho vay 16 triệu đồng, chị đã mua 1 con bò nhỡ, nhờ chăm sóc tốt nên đầu năm 2013, bò sinh được 1 chú bê đực. Vậy là sau 2 năm, từ hộ nghèo, gia đình chị Thuận chuyển sang hộ cận nghèo.

Chị Thuận cho biết: Đang loay hoay tìm cách ổn định cuộc sống thì Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Hoa Tây báo tin vui: hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi. Đó quả thật như một liều thuốc bổ cho người bệnh sau ốm nặng, giúp chúng tôi thoát nghèo bền vững.

“Không phải chúng tôi không chăm chỉ làm ăn, nhưng vì rủi ro, thiếu vốn nên rất cần một “điểm tựa” để thoát nghèo hiệu quả. Tôi thực sự cảm ơn NHCSXH và thay mặt bà con xóm Hoa Tây, bày tỏ mong muốn được vay vốn. Nếu tiếp tục được hỗ trợ, tôi sẽ mua thêm một con bò sinh sản”, chị Thuận tâm sự.

Đồng ý kiến với chị Thuận, chị Nguyễn Thị Khoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Hoa cho biết: “Xã hiện còn 135 hộ nghèo, 87 hộ cận nghèo. Trong 3 năm trở lại đây, đã có 11 chị thoát nghèo hoặc chuyển lên cận nghèo nhờ vay vốn nuôi bò sinh sản. Một số chị đã xây được nhà mới, có cuộc sống khá giả. Thực tế cho thấy, hộ cận nghèo là đối tượng cần được vay vốn nhiều nhất, vì nếu không có vốn tiếp tục sản xuất, nguy cơ tái nghèo rất cao. Vì thế, việc Chính phủ quyết định cho hộ cận nghèo vay vốn là vô cùng ý nghĩa”.

Ở huyện miền núi Anh Sơn, nguồn vốn chủ yếu được cho vay để giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn: chăn nuôi trâu bò, trồng rừng và trồng chè. Tính đến ngày 30/4/2013, NHCSXH huyện Anh Sơn đã thực hiên cho vay 8 chương trình, với tổng dư nợ 311.478 triệu đồng, trong đó cho vay hộ nghèo về nhà ở 7.554 triệu đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 27.908 triệu đồng; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn 932 triệu đồng. Nợ quá hạn của NHCSXH huyện Anh Sơn khoảng 577 triệu đồng, chiếm 0,18%.

“Đến thời điểm này, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã nhận được nguồn vốn 70 tỷ đồng dành cho vay hộ cận nghèo, dự kiến giải ngân xong trước tháng 6/2013″.

Điều đáng ghi nhận ở Anh Sơn là, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn nên trả lãi đầy đủ. Anh Nguyễn Văn Lan ở xóm 4, xã Hùng Sơn, người được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo năm 2008, cho biết: “Sau khi được vay vốn, gia đình tôi mua trâu, đến tháng 10/2011, đã trả hết nợ và còn “dư” 3 con trâu. Hiện, gia đình đã thoát nghèo, chuyển sang diện cận nghèo. Đầu năm 2013, nghe tin hộ cận nghèo được vay vốn, tôi vô cùng phấn khỏi, vì đây là cơ hội để gia đình vươn lên thành hộ khá cũng như đầu tư cho con cái ăn học. Nguyện vọng của tôi là được vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng chè công nghiệp”.

Được biết, Anh Sơn hiện có 5.858 hộ cận nghèo, trong đó có 4.479 hộ có nhu cầu vay vốn, với số tiền đăng ký vay 125.412 triệu đồng.

Nghệ An trước “giờ G”

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Quân - Phó giám đốc NHCSXH huyện Nghi Lộc cho biết: “Hiện đã có hướng dẫn cụ thể cho bà con về thủ tục vay, trước “giờ G” mọi việc đã sẵn sàng, chỉ chờ có vốn là triển khai. Riêng cho vay hộ cận nghèo huyện Nghi Lộc cần trên 100 tỷ đồng”.

Ông Lê Xuân Tỵ, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cũng cho biết: “Sau khi có chủ trương, Nghệ An đã rà soát và thống kê được trên 108 nghìn hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn. Trong đó, có một bộ phận đã vay vốn của NHCSXH thông qua những chương trình khác. Nay lại có thêm chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nên bà con đều rất phấn khởi, bởi chính sách này thực sự đáp ứng được mong mỏi của người dân, đồng hành với họ trong việc ổn định cuộc sống, tiến tới ấm no, hạnh phúc, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Dương Thu Hiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác