Hành trình của tín dụng học sinh, sinh viên trên quê hương Thanh Hà
Những năm trước đây phần đông người dân trên quê hương vải thiều chỉ gắng gượng lo liệu cho con cái học hết chương trình phổ thông, đâu dám tính đến chuyện cho con học lên cao trở thành bác sỹ, kỹ sư, bởi nguyên nhân chủ yếu là hoàn cảnh gia đình còn nghèo khó, không đủ kinh phí phục vụ cho việc học tập suốt mấy năm ròng rã trên thành phố. Thế nhưng ngày nay đã khác, nhất là từ khi NHCSXH triển khai thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi để ăn học 10 triệu đồng/năm. 5 năm qua cũng là một hành trình của đồng vốn tín dụng chính sách, đáp ứng được sự phát triển về giáo dục và nguyện vọng của nhân dân. Đa số hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều cho rằng, nếu không có chính sách mới của Nhà nước về tín dụng học sinh, sinh viên thì con em họ khó bước chân tới trường đại học, cao đẳng, hoặc phải bỏ học giữa chừng vì gặp khó khăn về tài chính. Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị May là hộ nghèo ở xã Hồng Lạc có tới 3 người con học đại học, trong khi đó thu nhập của gia đình chỉ trông vào 8 sào lúa 2 vụ. Bà May nhẩm tính mỗi cháu ăn học trên thủ đô và TP. Thái Bình, vị chi phải có từ 1.5 đến 4.8 triệu đồng/tháng. Vậy là bà phải chu cấp ít nhất mỗi tháng 5 triệu đồng, nếu không có khoản vay từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên của Nhà nước thì gia đình người nông dân nghèo này không biết làm thế nào để có tiền lo cho con ăn học đây. Nhờ có 64 triệu đồng vốn vay ưu đãi, các con bà đã yên tâm học tập và hứa quyết tâm học hành thành đạt để khi ra trường có việc làm, chung sức cùng bố mẹ dành dụm chi tiêu sớm hoàn trả nợ vay cho ngân hàng.
Ông Phạm Đình Phụng ở xã Thanh Cường cho biết: Hiện trong Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông làm Tổ trưởng có 48 thành viên vay vốn 6 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ gần 1 tỷ đồng, trong đó chương trình tín dụng học sinh, sinh viên chiếm hơn 30% tổng dư nợ. 29 hộ gia đình được hưởng lợi từ chương trình rất phấn khởi vì có nguồn vốn hỗ trợ, tiếp sức. Trong tình hình hiện nay giá cả tăng cao, nếu Chính phủ điều chỉnh mức cho vay từ 1 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên sẽ phù hợp hơn và là nguồn cổ vũ to lớn cho những gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tín dụng chính sách và phát triển giáo dục ở huyện Thanh Hà 5 năm qua đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo của UBND huyện thì cùng với truyền thống hiếu học của địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp ngành, NHCSXH đã khẩn trương tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và các Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã. Hiện nay, mạng lưới gần 300 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phủ kín các thôn xóm trên toàn huyện. Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhất làm cho chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đạt hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh, đảm bảo đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt từ khi NHCSXH chuyển phương thức cho vay trực tiếp học sinh, sinh viên sang cho vay thông qua hộ gia đình và khuyến khích giảm lãi suất cho những hộ vay trả nợ trước kỳ hạn thì việc thu nợ, nhận nợ đã có địa chỉ rõ ràng và tiến hành thuận tiện, tạo nguồn thu, góp phần bổ sung nguồn vốn cho vay quay vòng.
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chương trình cho vay hộ cận nghèo, vài ghi nhận ở Nghệ An
- » Đạt kế hoạch, nhưng chưa bền
- » Vốn vay giúp hộ nghèo thoát nghèo
- » 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn: Hàng triệu hộ dân thoát nghèo
- » NHCSXH huy động thành công 800 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
- » Niềm vui cho hộ cận nghèo
- » Giúp thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi
- » Đồng hành cùng người dân giảm nghèo
- » Bước tiến xóa nghèo ở Cư M’gar
- » Thành công từ nuôi nhím, lợn rừng