Tiên Thuận đã “thay da đổi thịt”
Bà Lê Thị Truyền - Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận bồi hồi kể lại với chúng tôi: “Trước năm 2005, làng quê nơi đây còn nghèo nàn, vắng lặng. Nhiều hộ dân quanh năm còn phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn lương thực, thực phẩm để lo từng bữa ăn, sống chen chúc trong những căn chòi lá tạm bợ, xiêu vẹo. Nhưng nhờ có chủ trương mới của tỉnh và sự giúp đỡ của các ban, ngành, các đơn vị quân đội, có sự ưu tiên đầu tư của nhiều chương trình dự án, nhất là việc Chính phủ tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH cho vay đến từng hộ dân nghèo, nên chốn biên cương xa xôi của chúng tôi đã có đà phát triển kinh tế - xã hội; nhiều hộ gia đình trước kia bỏ đi giờ quay trở lại định cư, đã sử dụng vốn vay ưu đãi chuyển đổi sản xuất, làm cho cuộc sống no đủ và thôn ấp tươi vui dần”.
Theo sự hướng dẫn trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đã đi thăm một số mô hình kinh tế trong xã, tận tai nghe mắt thấy nhiều hộ nông dân nghèo đã được vay vốn ưu đãi thuận lợi, lại còn được cán bộ tín dụng cùng các tổ chức hội, đoàn thể tận tình hướng dẫn cách thức sử dụng vốn vay vào công việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trồng rừng, kết hợp với việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi. Tại ấp Bầu Tràm, nằm sát vành đai biên giới Tây Nam Tổ Quốc đã thành lập được 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đạt mức dư nợ 1,2 tỷ đồng. Phần lớn số vốn vay ưu đãi được bà con đầu tư khai hoang mở đất trồng được 912ha cao su, hiện đang phấn đấu trồng mới 200ha nữa. Anh Phan Huy Phú - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1 của ấp cho biết: “Nhờ vốn vay ưu đãi và việc chăm sóc chu đáo, đến nay diện tích cao su của địa phương cho khai thác mủ; góp phần để nơi tuyến đầu biên giới đổi thay với những mùa màng hoa thơm, quả ngọt”. Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Lắm, trước đó từng là hộ nghèo, “di cư” ra thị trấn để làm thuê vác mướn; đã trở lại quê hương lập nghiệp từ năm 2009; rất phấn khởi, yên tâm được vay 30 triệu đồng của NHCSXH phục vụ mục đích xoá nghèo, phát triển sản xuất và hiện đang nhận chăm sóc 3ha cao su. Vợ chồng chị còn tăng gia cải thiện trồng hoa màu và đưa cây tiêu vào trồng thử nghiệm quanh vườn nhà, vườn đồi.
Cũng ở ấp Bầu Tràm có gia đình ông Huỳnh Văn Đỉnh từ TP. Hồ Chí Minh chuyển về sinh sống tại nơi đây (sau năm 2000). Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và NHCSXH, ông Đỉnh được cấp đất sản xuất, vay vốn nên đã bắt tay vào cải tạo ruộng đồng, trồng lúa nước, chăn nuôi thêm đàn gia súc, gia cầm, “kinh tế gia đình ổn định, không còn túng thiếu, đói kém như trước nữa. Mình còn chăm lo cho 3 người con về thành phố học đại học đến nơi đến chốn. Cũng là nhờ chủ trương mới của tỉnh và đặc biệt nguồn vốn vay ưu đãi đã làm điểm tựa vững chắc cho gia đình vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống đấy”. Ông Đỉnh hồ hởi khoe với chúng tôi.
Vùng đất nghèo, hoang vắng chốn biên cương Tiên Thuận ngày nào nay đang thay da đổi thịt với diện mạo mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39% xuống dưới 17%, hàng trăm ha vườn cao su đã vươn cành, khép lá hứa hẹn cuộc sống trù phú, no ấm, chính là phản ánh rõ nét nhất về hiệu quả đầu tư của các chương trình, mục tiêu xóa nghèo của Đảng, Nhà nước, trong đó có phần đóng góp đắc lực của nguồn vốn ưu đãi được giải ngân từ NHCSXH.
Bài và ảnh Trần Đởng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Huy động tiết kiệm qua tổ: “Góp gió thành bão”!
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013
- » Lai Vung với chính sách “tam nông”
- » Kiểm tra hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc
- » Mở mang làng nghề nơi đầu nguồn sông Cửu Long
- » Để đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Kiên Giang họp phiên thường kỳ Quý III/2013
- » Hội CCB tỉnh Quảng Nam làm tốt công tác ủy thác
- » Vốn cho khát vọng lớn
- » Đồng vốn chính sách giúp sinh hoạt hội hiệu quả hơn