Phụ nữ Tây Ninh vay vốn nuôi cá làm giàu

23/12/2012
(VBSP) Những người phụ nữ ở thị trấn Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã vay vốn tín dụng chính sách và tận dụng nguồn nước hồ Dầu Tiếng để nuôi cá thương phẩm, thoát nghèo vươn lên có cuộc sống khá giả.

Thời gian đầu, tham gia trong các “tổ nuôi cá”, các chị tập trung nguồn vốn hỗ trợ vào nuôi các loại cá nhanh được thu hoạch để giữ vốn như: Cá trê, cá rô và cá lóc bông. Sau khi có vốn, các chị đầu tư nuôi các loại cá có giá trị cao hơn. Hiện nay, hầu hết các gia đình đều nuôi cá lóc bông, loại cá này đang được khách hàng trên thị trường ưa chuộng.

“Tôi sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhà nước bố trí nuôi 8 hầm cá lóc bông vì thấy thị trường loại cá này rất ổn định. 4 hầm còn lại tôi nuôi ba ba và cá trê để tận dụng thức ăn thừa”. Chị Nguyễn Thị Phương Châm cười nói như vậy. Rồi chị kể tiếp, lúc chưa vào Tổ TK&VV, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, nhà chỉ có 2,7 công đất, làm nông nghiệp không thể khá lên được. Chị xoay đủ nhưng vẫn không khá lên được. Đến khi được Hội PN thị trấn Dương Minh Châu cho vào tổ liên kết nuôi cá, chị rất phấn khởi. Sau khi được học tập mô hình nuôi cá, được vay 50 triệu đồng của NHCSXH và Quỹ dự án dành cho phụ nữ nghèo, nhờ có nguồn vốn này mà chị đã thoát nghèo.

Cũng giống như gia đình chị Châm, gia đình chị Nguyễn Thị Thuý ở khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu đã đào 12 hầm nhỏ, mua cá giống rồi gia công chăm sóc. Ngay từ vụ đầu tiên, chị đã có tiền trả nợ cho ngân hàng, còn dư vốn tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá. Vụ thu hoạch vừa rồi, chị Thuý bán được gần 20 tấn cá lóc bông, với giá 52 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí, còn lãi hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra, hầm cá trê và ba ba cũng lãi gần 100 triệu đồng. Chị vui sướng nói: “Nhà tôi chưa tới 3 công đất nhưng nhờ có vốn vay ưu đãi và làm theo mô hình kỹ thuật nuôi cá mới mà lời lãi nhiều đó, tôi thấy mãn nguyện lắm rồi”.

Gia đình chị Huỳnh Thị Mỵ, cũng là hộ nghèo khu phố 3, với diện tích đất rất ít, vợ chồng chị đào 8 hầm nhỏ để nuôi cá. Cầm số tiền 30 triệu đồng được vay của NHCSXH chị quyết tâm trở thành nhà đầu tư trên chính mảnh đất của mình. Từ khi nuôi cá đến giờ, chưa năm nào chị bị lỗ, mặc cho giá cả thị trường lúc lên lúc xuống, bởi chị biết cách đầu tư đúng hướng và làm theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến ngư. Nhờ có những hầm cá này, vợ chồng chị Mỵ không chỉ lo cho 2 con ăn học tử tế ở trường Đại học Bách khoa, Đại học Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh mà còn có của để dành. Nhớ lại trước đây, cả hai vợ chồng làm ruộng quần quật nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày, không dám nghĩ tới chuyện có dư giả để tích luỹ kể từ khi được vay vốn ưu đãi, tham gia vào mô hình “tổ nuôi cá” chị Mỵ mới biết làm ăn lớn và đã thực hiện được giấc mơ là “cầm được trăm triệu trong tay”.

“Các hộ nuôi cá ở thị trấn Dương Minh Châu giờ đây thường đi dự các lớp tập huấn, mua sách hướng dẫn nuôi cá để áp dụng kỹ thuật mới. Rồi họp bàn, tham gia những kinh nghiệm hay về cách thức sử dụng vốn vay NHCSXH để liên kết sản xuất làm giàu”, chị Phạm Thị Hải Trinh - Chủ tịch Hội PN huyện Dương Minh Châu tâm sự.

Mai Hoa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác