Huy động tiết kiệm qua tổ: “Góp gió thành bão”!

04/08/2013
(VBSP News) Chỉ 10 nghìn đồng, người nghèo cũng có thể tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH. “Góp gió thành bão”, người gửi tiết kiệm hàng tháng đều đặn tích lũy để trả lãi hoặc nợ gốc cho món tiền vay của gia đình. Hơn 50 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được huy động từ những đồng tiền và ý thức tiết kiệm đã giúp nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được tiếp cận nguồn vốn.
Nguồn vốn huy động được từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp NHCSXH mở rộng cho vay các mô hình phát triển kinh tế

Nguồn vốn huy động được từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp NHCSXH mở rộng cho vay các mô hình phát triển kinh tế

Sức lan tỏa của mô hình

Năm 2009, mô hình huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai ở TX. Hồng Lĩnh và đã thu được những kết quả bước đầu sau 1 năm thí điểm. Để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, chi nhánh đã tham mưu cho Ban đại diện HĐQT các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ mới này.

Cùng với đó, chi nhánh tổ chức nhiều lớp tập huấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn, đặc biệt, cán bộ ngân hàng trực tiếp làm mẫu các thủ tục, “cầm tay chỉ việc” đối với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ được NHCSXH tiến hành song song với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sự phối hợp hiệu quả giữa NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đã tạo nên sức lan tỏa cho mô hình huy động tiết kiệm giàu ý nghĩa nhân văn này.

Đến cuối tháng 6/2013, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.639 Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện huy động tiết kiệm qua tổ, chiếm hơn 87% tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn với số vốn huy động trên 50 tỷ đồng. Nhiều địa phương triển khai bài bản, sáng tạo mô hình này và đã mang lại kết quả thiết thực, trong đó: Nghi Xuân là huyện có số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ lớn nhất trong tỉnh. Giám đốc NHCSXH huyện Nghi Xuân, Võ Quang Trung, cho biết: với sự chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Nghi Xuân đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình huy động tiết kiệm qua tổ từ huyện đến từng xã, thị trấn.

Quá trình triển khai, với cách xây dựng các mô hình điểm và từng bước nhân rộng một cách vững chắc, việc huy động tiết kiệm qua tổ được người dân trên địa bàn huyện chủ động tìm hiểu, phân tích và lựa chọn. Nhờ đó, qua thời gian ngần ngại ban đầu, các thành viên vay vốn ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tích cực tham gia. Đến nay, NHCSXH huyện Nghi Xuân đã huy động được trên 7,2 tỷ đồng với 100% số Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia (299 tổ).

Người nghèo hưởng lợi

Hầu hết những người tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đều đang có dư nợ vay vốn ở NHCSXH. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu khi họ tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng đó là gom góp để trả dần số tiền nợ gốc, giảm gánh nặng thanh toán cuối kỳ. Ngoài ra, với số tiền tiết kiệm qua tổ, người gửi cũng có thể thanh toán tiền lãi hàng tháng khi cần để đảm bảo đúng hạn và đúng lịch thu lãi của ngân hàng. Một số hộ khi cần có thể rút tiền để phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Như vậy, dẫu quy mô còn nhỏ nhưng người nghèo đã được làm quen và hưởng lợi ích từ sản phẩm tiền gửi tiết kiệm của mình. Chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà chia sẻ: “Với số tiền 20 nghìn đồng tiết kiệm mỗi tháng, những gia đình nghèo như chúng tôi có thể tham gia gửi tiền ở ngân hàng một cách thuận tiện. Niềm vui đó, đã động viên chúng tôi xây dựng ý thức tiết kiệm cho gia đình mình”.

Mang lợi ích thiết thực đến với người nghèo và các đối tượng chính sách - mục tiêu mà chương trình huy động tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng đến đang được khẳng định bằng những kết quả thực tiễn. Anh Bùi Quang Tùng, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Kỳ Anh cho biết: Mặc dù, ngân hàng không quy định số tiền huy động hàng tháng, nhưng nhiều địa phương, nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tổ chức họp, thống nhất mức góp chung khá cao.

Như ở xã Kỳ Lâm mức huy động tiết kiệm trung bình hàng tháng là 50 nghìn đồng, có hộ tiết kiệm hàng trăm ngàn đồng/tháng. Toàn xã có 18 Tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền tiết kiệm qua tổ hiện nay lên tới hơn 433 triệu đồng. Số tiền này được ngân hàng sử dụng cho vay trở lại với các thành viên có nhu cầu trên địa bàn xã. Nhờ đó, đã mở rộng hơn cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách ở xã miền núi, góp phần đưa dư nợ cho vay các chương trình ưu đãi ở Kỳ Lâm lên 1,2 tỷ đồng.

Tiếp tục chỉ đạo phát triển việc huy động tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn về cả chiều rộng và chiều sâu, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể và Ban giảm nghèo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo tất cả các Tổ tiết kiệm và vay vốn đều thực hiện được nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên một cách hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, giám sát của ngân hàng và phát huy sự tham gia giám sát của các thành viên để đảm bảo đồng vốn huy động phát triển an toàn, mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo Báo Hà Tĩnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác