Lai Vung với chính sách “tam nông”

02/08/2013
(VBSP News) Lai Vung nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Đồng Tháp, có vị trí khá “đắc địa”. Huyện nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, kề với Khu công nghiệp Sa Đéc; ngang Khu công nghiệp Trà Nốc thuộc TP. Cần Thơ và tiếp giáp với các trung tâm đô thị lớn của vùng, như TP. Cần Thơ, TP. Long Xuyên (An Giang), thuận tiện cho việc thực hiện chính sách “tam nông”.
Quýt hồng cây xóa nghèo và làm giàu của nông dân Lai Vung

Quýt hồng cây xóa nghèo và làm giàu của nông dân Lai Vung

Chủ tịch UBND huyện Lai Vung Hồ Thanh Phương, cho biết: Sau 5 năm triển khai Nghị định 26 về “tam nông”, kinh tế của huyện có sự chuyển dịch cơ cấu nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản có nhiều chuyển biến mới cả về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, như luân canh lúa - màu (vừng, đậu bắp, dưa lê trên nền đất lúa) nuôi heo trên đệm lót sinh học; liên kết tiêu thụ dưa lê, đậu bắp ở Tân Hòa, thị trấn Lai Vung. Huyện cũng đã vận động nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Hòa Long (quy mô 43ha); từng bước mở rộng diện tích cánh đồng rau an toàn thị trấn Lai Vung, cánh đồng chuyên canh màu xã Phong Hòa. Nhiều làng nghề truyền thống, như: nghề đóng xuồng ghe, nghề làm nem, nghề đan lờ lợp, đan bội, cần xé, nấm rơm góp phần tạo thêm việc làm tại chỗ, đẩy mạnh công cuộc xóa nghèo ở nông thôn. Tính đến hết năm 2012, theo tiêu chuẩn nghèo mới, toàn huyện còn 4.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,07%; hộ cận nghèo 3.307 hộ, chiếm 8,3%. Tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Vung đang giảm nhanh, bởi trước hết, người dân sử dụng vốn vay của NHCSXH  đạt hiệu quả cao. Nhiều hộ nông dân không ruộng vườn, không vốn, quanh năm đi làm thuê, thông qua các hội, đoàn thể họ được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, sử dụng vốn vay đúng mục đích họ đã từng bước thoát nghèo một cách bền vững. Anh Trương Văn Khôi ở ấp Định Mỹ, xã Định Hòa, kể: Nhà tôi không có đất sản xuất, thuộc hộ nghèo. Nhờ vay được 10 triệu đồng của NHCSXH, tôi mua 5 con heo con về nuôi. Sau hai năm lời được 1 con heo nái và 3 con heo lứa. Hiện tại, đàn heo phát triển tốt, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hội CCB xã Long Hậu (quê hương của quýt hồng Lai Vung) nhận ủy thác của NHCSXH trên 280 triệu đồng, cho 58 hội viên vay. CCB Nguyễn Văn Sầm, sau khi rời quân ngũ về với gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn… gia đình ông được vay 20 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, ông đã chuyển một công đất ruộng sang trồng quýt hồng. Nhờ được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật nên vườn quýt hồng của ông đạt năng suất cao, bình quân thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Năm 2011, gia đình ông được công nhận thoát nghèo; trước tết năm 2012 ông xây dựng căn nhà mới trị giá trên 100 triệu đồng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, 6 tháng đầu năm 2013, tổng dư nợ NHCSXH huyện Lai Vung đạt trên 164,680 tỷ đồng, với 20.086 món vay. Không kể các chương trình lớn, như cho vay hộ nghèo, HSSV, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, với nguồn vốn được phân bổ 3,4 tỷ đồng của chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ NHCSXH tỉnh Đồng Tháp, 6 tháng qua NHCSXH Lai Vung đã giải ngân được gần 2,5 tỷ đồng, cho 345 hộ vay xây nhà tắm, nhà vệ sinh, số tiền còn lại sẽ được tiếp tục cho vay trong những tháng cuối năm. Mức vay 8 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,9%/tháng, thời hạn 5 năm. Cùng thời gian, NHCSXH huyện Lai Vung cũng đã giải ngân 2,5 tỷ đồng/3 tỷ đồng được phân bổ, cho 127 hộ vay trong chương trình mua nhà trả chậm. Đối tượng được xét cho vay là hộ được xét vào tuyến dân cư, không có đất và không có khả năng mua đất ở. Mỗi hộ được vay 20 triệu đồng, lãi suất 0,25%/tháng. Thời hạn hoàn vốn tối đa 10 năm. Đối với những hộ trả trước thời hạn sẽ được ưu đãi giảm 4% trên tổng số tiền vay.

Mùa nước nổi sắp về, thêm nhiều hộ dân ở Lai Vung “an cư, lạc nghiệp”. Đồng vốn của NHCSXH đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác