Mèo Vạc chăn nuôi bò hàng hóa

14/08/2013
(VBSP News) Nhằm tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08 về phát triển đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ chăn nuôi giai đoạn 2010 - 2015. Huyện xác định đây là hướng đi ưu tiên, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững ở địa phương.
Nhiều đoàn đại biểu đến tham quan mô hình trồng cỏ ở xã Pả Vi

Nhiều đoàn đại biểu đến tham quan mô hình trồng cỏ ở xã Pả Vi

Theo số liệu thống kê, diện tích đất tự nhiên của huyện Mèo Vạc rộng tới 56.668,61ha, nhưng đất rừng lại ít nhất tỉnh Hà Giang, chiếm chưa tới 10% diện tích tự nhiên của huyện. Do địa chất chủ yếu là núi đá, độ dốc lớn, nên các cây thân gỗ không thể sống được. Toàn huyện có 73 nghìn người, gồm 16 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm 78%. Có thể nói, Mèo Vạc là nơi điều kiện mọi mặt thuộc loại khó khăn nhất trong nước. Nơi đây, hai yếu tố cần nhất cho sự sống là đất và nước đều thiếu. Đã vậy, trong sản xuất nông nghiệp, ngô là cây trồng chính, nhưng bà con các dân tộc canh tác còn nặng tính quảng canh. Do vậy, đời sống người dân đã khó khăn, lại càng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 50%.

Sau nhiều thập kỷ mầy mò, cuối cùng thế hệ lãnh đạo mới của Mèo Vạc đã tìm được hướng đi phù hợp - chăn nuôi bò hàng hóa. Ông Thào Seo Lử - người dân tộc Mông, ở bản Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, kể: “Trước đây, nhà cũng nuôi một con bò, giống bản địa, vóc dáng bé nhỏ, nuôi mãi không lớn. Ngày ngày phải đi cả chục cây số, vào tận rừng sâu mới cắt được bó cỏ gùi về nuôi bò. Mùa đông cỏ càng hiếm, có khi đi hai ngày mới đem về được một bó cỏ. Cứ đến mùa đông bò bị đói, bị rét, bị ốm và lăn ra chết. Bà con bảo bò bị ốm chết là do ma làm, nên không dám nuôi bò nữa. Cách đây 3 năm, cán bộ khuyến nông xuống tận bản, vào tận nhà vận động nuôi bò. Nghe ưng cái bụng. Mặc dù, vợ con can ngăn nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi bò. Được Nhà nước hỗ trợ, NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, tôi mua 1 con bò giống lai to lớn, gấp nhiều lần so với giống bò Mông Mèo Vạc. Có bò, cán bộ khuyến nông, thú y huyện đến “cầm tay chỉ việc” cách nuôi bò lai, kỹ thuật trồng cỏ, ủ cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò trong mùa đông. Làm theo lời cán bộ, qua 3 năm trồng cỏ nuôi bò, gia đình tôi đã có 3ha cỏ và 10 con bò. Thấy hiệu quả, các hộ trong bản làm theo. Giờ thì cả bản tôi không còn hộ nghèo”.

Không riêng Mèo Vạc, tại các huyện vùng cao núi đá Hà Giang, người dân đã trồng cỏ phân tán ở mọi chỗ, mọi nơi. Giống cỏ VAO6 (ngành nông nghiệp tỉnh đưa vào từ năm 2008), năng suất đạt 200 - 250 tấn/ha/năm, tạo nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi, vượt qua những rào cản ngàn đời, mở ra phương thức mới “nuôi bò trên lưng” - nuôi nhốt bò trong chuồng, hàng ngày gùi cỏ về cho bò ăn. Theo đó, một nghề kinh doanh mới đã hình thành ở Mèo Vạc là nuôi vỗ béo bò thịt. Anh Vương Minh Tuấn, dân tộc Mông ở bản Pả Vi Thượng, cho biết: Gia đình anh là một trong số hàng trăm hộ trong xã Pả Vi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để trồng cỏ, chăn nuôi bò hàng hóa, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Hàng tháng, anh đi các chợ lân cận trong và ngoài huyện mua những con bò gầy về nuôi, vỗ béo khoảng 3 - 4 tháng, rồi dắt ra chợ trung tâm huyện bán. Trong chuồng, anh thường xuyên duy trì trên dưới 15 con bò, mỗi phiên chợ bán từ 2 - 5 con đã được vỗ béo, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi 3 - 5 triệu đồng/con. Cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp của huyện Mèo Vạc mà anh Tuấn đề cập đến cụ thể là: Hỗ trợ người dân mua giống cỏ với định mức 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn nuôi bò, với mức vay từ 5 - 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm… Bám sát chủ trương của huyện, NHCSXH tích cực vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Sùng Mí Thề, cho biết: Thông qua dự án cho các hộ nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi, 3 năm qua đã có 1.738 hộ được vay vốn phát triển nghề nuôi bò thịt, với tổng số vốn 29,9 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 là 14,56 tỷ đồng; năm 2012 là 15,28 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Mèo Vạc đạt gần 169 tỷ đồng; doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2013 đạt gần 14,5 tỷ đồng/617 lượt khách hàng. Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay tín dụng ưu đãi… đàn bò của huyện tăng bình quân 5,3%/năm, từ 16.430 con năm 2000, tăng lên 29.392 con năm 2011 và hiện nay là 31.500 con, với trên 3.500ha cỏ phân tán.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Sùng Mí Thề, đánh giá: “Nhờ có chăn nuôi bò hàng hóa mà số hộ nghèo của huyện giảm nhanh qua từng năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2006, tăng lên 5,5 triệu đồng năm 2012 và hiện nay đang tiếp tục tăng một cách bền vững”.

Bài và ảnh Thành Đại

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác