Mô hình nuôi thủy sản hiệu quả ở rừng ngập mặn

14/08/2013
(VBSP News) Gần đây, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người ta nhắc nhiều đến huyện Duyên Hải (Trà Vinh) đã triển khai có kết quả việc huy động mọi nguồn lực tài chính, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi được Chính phủ và ngân sách địa phương hỗ trợ thông qua NHCSXH để xây dựng mô hình nuôi tôm, cá sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn.
Ông Phan Văn Huấn ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, thu lợi nhuận 300 triệu đồng từ tôm, cua, cá dưới tán rừng ngập mặn

Ông Phan Văn Huấn ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, thu lợi nhuận 300 triệu đồng từ tôm, cua, cá dưới tán rừng ngập mặn

Theo ông Nguyễn Hữu Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Duyên Hải là huyện ven biển có diện tích rừng đước rộng lớn nên rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhưng do người dân thiếu vốn, lại do những năm trước đây, thực hiện chủ trương của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 3 nông trường: Hiệp Long, Hiệp Vũ và Hiệp Thành, hàng vạn ha rừng đước bị phá để trồng dừa, nuôi tôm công nghiệp. Cây dừa - con tôm trên vùng đất chua mặn còi cọc, không phát triển được. Đời sống nhân dân quanh vùng lâm vào cảnh khó khăn, làm thế nào để  thoát nghèo và làm giàu được. Sau năm 2005, các nông trường làm ăn thua lỗ bị giải thể, bà con nông dân được giao đất, vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện để khai thác nghề nuôi thuỷ sản, trồng rừng đặc dựng dọc hơn 30km ven biển.

Được vay vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm, bà con Duyên Hải đã đầu tư vào các việc mua cây, con giống, vật tư, vật liệu phục vụ nuôi tôm, cá nước lợ, trồng rừng ngập mặn và mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn. Đến nay, toàn huyện đã có 1.327ha mặt nước nuôi thuỷ sản và trên 3000ha rừng trồng mới với 978 hộ tham gia, thu lãi bình quân 50 - 70 triệu đồng/ha; trong đó có một số mô hình trang trại làm ăn phát đạt được bà con học tập làm theo và đã góp phần tạo nên bước đột phá mới về xóa nghèo, làm giàu và thay đổi nếp nghĩ, phương thức sản xuất ở nông thôn trước sự biến đổi khí hậu của thiên nhiên.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Duyên Hải mà ông Phan Văn Huấn ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh đã xây dựng được mô hình nuôi tôm sinh thái và liên tục nhiều năm thắng lớn. Năm 2012, ông Huấn thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng và được nhận danh hiệu thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Ông Huấn kể rằng: 6 năm trước đây, trong khi nhiều người chặt phá rừng đước, đào ao, đắp hồ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp thì ông đã sử dụng 20 triệu đồng vay của NHCSXH quay lại trồng rừng, nuôi tôm tự nhiên. Có người chê ông làm chuyện trái khoáy. Bỏ ngoài tai những lời dèm pha đó, ông Huấn kiên nhẫn đầu tư tiền vốn, công sức để cải tạo 5ha đất thành mô hình nuôi tôm - trồng rừng theo tỷ lệ 50% diện tích rừng, 50% diện tích mặt nước dành cho tôm. Con tôm nuôi thả lan trong rừng đước vừa lớn nhanh, vừa sạch sẽ nên khi thu hoạch bán được giá cao. Bội thu từ nghề nuôi tôm sinh thái - tự nhiên, ông đã trả hết nợ vay ngân hàng đúng kỳ hạn, đồng thời, dành dụm mua sắm thêm lưới, thuyền máy, đắp bờ bao vững chắc. Đầu năm 2013, ông tiếp tục xin vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện 200 triệu đồng để mở rộng khu rừng đước và diện tích nuôi nhiều loại thuỷ sản như tôm sú, cua biển, cá chẽm. Sau 4 tháng nuôi, ông bắt đầu thu lứa tôm đầu đem bán, lãi tới 60 triệu đồng. Ước tính năm nay lợi thuận cộng thêm cua biển, cá chẽm dưới tán rừng sẽ đạt 400 - 500 triệu đồng.

Cũng như nhà ông Phan Văn Huấn, anh Thạch Kiểm, người Khmer ngụ tại ấp Kè Sương, xã Hiệp Long, được Tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên xã Hiệp Long hướng dẫn anh Thạch Kiểm được vay vốn NHCSXH thuận lợi, kịp thời nuôi cá chẽm trên diện tích mặt nước 4.800m2 và ngay dưới tán rừng đước. Anh Thạch Kiểm chủ trang trại chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi không ngại ngần khi dốc toàn bộ vốn vay ngân hàng và số tiền của bố mẹ cho để chuyên canh nuôi cá chẽm, trong quá trình nuôi con đặc sản ở vùng nước mặn này, tôi đã tính toán cụ thể, khoa học việc phân bổ từng khoản mục đầu tư với số tiền vốn và sức lao động hiện có để phân chia mua lưới cụ, con giống cho từng ao đầm và nuôi mật độ thả, lượng thức ăn, thời gian chăm sóc, cũng như lưu chuyển nguồn nước thường xuyên để ao luôn thoáng sạch, vệ sinh đảm bảo đàn cá lớn nhanh, không bị bệnh”. Chính do việc sử dụng tiền vốn đúng mục đích  và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình nuôi cá chẽm trong rừng đước của anh Thạch Kiểm mấy năm qua có thu nhập khá cao, bình quân 250 triệu đồng/năm.

Để nghề nuôi trồng thuỷ sản ở vùng ven biển Duyên Hải phát triển chất lượng hơn, huyện đang tập trung vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt coi trọng vốn chính sách và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và phát triển mô hình nuôi tôm, cá sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn.

Bài và ảnh Quang Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác